(HNMO) - Từ đầu niên vụ mía 2017-2018 đến nay, cả nước ép được hơn 6 triệu tấn mía, sản xuất khoảng 550 nghìn tấn đường, trong đó, các nhà máy đường trong cả nước tồn kho gần 400 nghìn tấn đường.
Lượng đường tồn kho trong cả nước lớn, nguyên nhân chủ yếu do đường nhập lậu giá rẻ với khối lượng hàng trăm nghìn tấn tràn vào thị trường trong nước khiến việc tiêu thụ đường của các nhà máy gặp khó khăn và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã bắt đầu tác động mạnh đến ngành mía đường trong nước.
Ngoài ra, do diện tích sản xuất mía trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún, bình quân dưới 1 ha/hộ, nên khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Công tác khuyến nông cho cây mía chưa được các địa phương chú trọng, nhất là nguồn mía giống chất lượng trong nước còn thiếu, dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. Nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, dưới 3.000 tấn mía đường/ngày, trang thiết bị lạc hậu..., khiến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này.
Để phát triển ngành mía đường bền vững, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu đường. Về lâu dài, các nhà máy đường cần đầu tư mạnh vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng đường; đồng thời tạo ra các sản phẩm sau đường (như điện từ bã mía) để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.