Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện thiếu 40.000 giáo viên mầm non, tiểu học, nhưng lại thừa tới hơn 16.000 giáo viên ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.
|
Thừa giáo viên, giáo sinh tốt nghiệp không có việc làm, phải làm việc khác. Những thông tin này liên tục xuất hiện trong mấy năm gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyển sinh.
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT trình Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục-đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, hiện vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang xảy ra.
Bộ GD-ĐT cho biết, theo thống kê của các địa phương, hiện cả nước thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở và 4.260 giáo viên trung học phổ thông.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tin học, ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở và tiểu học do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày, thừa giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc bậc tiểu học.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước thiếu 5.315 giáo viên tiểu học; đối với bậc mầm non thiếu 34.641 giáo viên do nhu cầu gửi trẻ tăng cao, trong khi tổng biên chế giáo viên của các tỉnh/thành phố có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế).
Bộ GDĐT thừa nhận, nguyên nhân của các bất cập này là do việc biến động về quy mô trường/lớp, vì dồn cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định.
Hiện nay, ở các địa phương, Sở GD-ĐT/Phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Để giải quyết những bất cập này, ngoài việc quy hoạch trường sư phạm theo hướng chỉ còn 10 cơ sở đào tạo giáo viên trung tâm có uy tín, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, trong đó phân cấp, giao Sở GD-ĐT/Phòng GD-ĐT các địa phương chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị sớm phê duyệt phương án tiền lương trong Đề án cải cách chế độ, chính sách tiền lương. Trong đó, xây dựng hệ thống thang bảng lương nhà giáo theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng, hiệu quả của công việc, đảm bảo lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.