Môi trường

Cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày

Hà Phạm 20/09/2024 - 13:47

Hàng năm, Việt Nam xả thải khoảng 3 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có khoảng 2,5% rò rỉ ra hệ thống đường thủy.

ht1.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: M.Tuấn

Những con số đáng báo động trên được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh rạch”, do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 20-9, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung thông tin, chất thải phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, tác động rất lớn đến sức khỏe người dân và môi trường sống.

Hiện nay, cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó khối lượng tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm gần 1/3 cả nước. Với năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý hơn 88%, còn gần 12% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày chưa được xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, kênh rạch.

Cũng theo UNDP, ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề đặc biệt cấp bách, đe dọa nghiêm trọng không chỉ tới môi trường mà còn tới sức khỏe con người, đặc biệt là cộng đồng sinh sống ở các khu vực đô thị và ven biển.

Thống kế được UNDP cập nhật cho thấy, hằng năm, Việt Nam xả thải khoảng 3 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 2,5% rò rỉ ra các tuyến đường thủy.

img_1593.jpg
Một tuyến kênh ngập rác thải tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Tuấn

Do đó, UNDP cho rằng, để đưa rác thải nhựa từ sông lên bờ hiệu quả, Việt Nam cần sớm quy định rõ định mức kinh tế kỹ thuật cho việc thu gom và vận hành xử lý rác; kiểm soát toàn bộ vòng đời của nhựa.

Để ngăn chặn, giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra biển, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam Patrick Haverman cho hay, các địa phương cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải tại các tuyến đường thủy.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh rạch gắn với triển khai chương trình giảm ô nhiễm môi trường và Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường, đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch chưa được giải quyết một cách triệt để.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để duy trì và nhân rộng giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh rạch tại nhiều địa phương khác.

Mặt khác, tăng cường hợp tác công - tư, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi xanh và đạt được mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030.

image_123650291.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu. Ảnh: M.Tuấn

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, để đạt các mục tiêu về cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh rạch, việc kiểm soát nguồn thải là nhiệm vụ thành phố đang nỗ lực thực hiện.

Đối với vấn đề rác thải trên sông, kênh rạch, thành phố đang tăng cường các giải pháp ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì thường xuyên công tác thu gom, xử lý rác thải trên sông, kênh rạch; giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn; từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đảm bảo 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc thành phố tích cực triển khai các giải pháp bền vững, kết hợp với sự chung tay của cộng đồng và sự hỗ trợ quốc tế là nền tảng vững chắc trong nỗ lực bảo vệ môi trường sống và tạo ra một thành phố xanh, sạch, đẹp trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.