Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cả đời người vì tấm lụa quê hương

Phạm Nga| 16/10/2015 06:38

(HNM) - Mải mê, cần mẫn như tằm ươm tơ, cả đời người, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, Vạn Phúc, Hà Đông gắn bó với tấm lụa quê hương.

Người dân Vạn Phúc vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện, 1.200 năm trước, bà A Lã Thị Nương, một người con gái Cao Bằng nổi tiếng đảm đang, thạo nghề dệt lụa về làm dâu trong làng. Thấy người dân Vạn Phúc chịu thương, chịu khó nên truyền lại nghề cho dân. Kể từ đó, nơi đây gắn bó với nghề lụa. Lụa Vạn Phúc có đủ loại: Gấm, vóc, vân, the, lĩnh, lượt, bằng, quế, đọi, sa, kỳ, cầu, đũi... nhưng nổi tiếng nhất là lụa vân. Lụa vân là thứ lụa đặc biệt, hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt, mang "ngôn ngữ riêng" của Vạn Phúc. Một thứ lụa đã đi vào ca dao: The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm miệt mài bên khung cửi.


Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, một thời gian dài, cái tên lụa vân dần bị quên lãng. Nhiều người yêu và say nghề ngơ ngác tiếc nuối thứ lụa quý quê hương. Cụ Triệu Văn Mão, bố chồng bà Nguyễn Thị Tâm, một nghệ nhân trong làng quyết không chịu mất nghề truyền thống. Cụ đi khắp nơi, từ trong làng đến các vùng miền tìm xin mảnh áo, chiếc khăn, từng miếng lụa vân cũ hoặc bỏ tiền mua lại... tìm đến những nghệ nhân thiết kế có tay nghề nhất trong làng nhờ thiết kế lại các mẫu lụa cũ và dệt thử.

Sinh ra và lớn lên ở quê lụa, bà Tâm không nhớ rõ, mình biết se tơ, dệt lụa tự bao giờ. Chỉ biết, khi thành thạo những thao tác ấy, bà đã yêu hương lụa, yêu màu vàng óng của những nong kén đang chờ ngâm để rút thành tơ. Năm 20 tuổi, bà Nguyễn Thị Tâm về làm dâu nhà cụ Triệu Văn Mão. Vốn khéo léo, lại mê lụa, bà Tâm như "cá về với nước". Bà được đích thân bố chồng dạy nghề và truyền cho cả cơ nghiệp. Năm 1986, thời bao cấp khép lại, các hộ gia đình ở làng Lụa Vạn Phúc quay cuồng khi phải "tự lực cánh sinh". Cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão không nằm ngoài vòng quay phiền não ấy. Nhưng thay vì tìm đến những cá tính mới, hiện đại cho tấm lụa, bà Tâm tìm cách tiếp nối những giá trị truyền thống mà bố chồng để lại. Bà tiếp tục tìm cách phục dựng lại lụa vân như nguyên bản. Biết tin bà Tâm đam mê phục dựng tấm lụa truyền thống, các cụ già trong làng, ai có áo, có khăn, có khi chỉ là mảnh lụa vân bằng bàn tay cũng mang cho bà Tâm tìm hiểu.

Nhiều ngày đêm miệt mài bên khung cửi, say mê với những sợi tơ, cuối cùng cũng thành công, tuy nhiên, niềm vui chưa kịp tới, bao nỗi trăn trở đã chầu chực bủa vây tâm trí bà. Theo bà Tâm, lụa vân là loại lụa quý, nó rất kén người dùng. Chỉ những người trung niên, dùng lụa này mới đẹp. Hơn nữa, lụa là thứ sang trọng, thanh nhã, không phải ai và lúc nào cũng dùng được. Làm ra đã khó, tiêu thụ còn khó hơn trăm lần. Lúc ấy, ai cũng e ngại vì hướng đi táo bạo của bà. Tìm được cách dệt lụa vân đã khó, duy trì tấm lụa quý của làng còn khó hơn.

Bà Tâm kể, nhiều năm tiếp quản cơ sở nhưng bà vẫn giữ nguyên tên Triệu Văn Mão. Đó là lời nhắc nhớ của bà về tình yêu mà bố chồng dành cho lụa quê hương và cũng là động lực để bà vượt qua vô vàn khó khăn khi đưa lụa vân ra bên ngoài. "Nhìn tấm biển đề tên ông, tôi tự nhủ, dù bố tôi đã mất nhưng lúc nào ông cũng đồng hành bên các con. Còn sống, ông luôn trăn trở giữ gìn lụa truyền thống. Chính điều đó đã hun đúc ý thức và tình yêu nghề trong tôi". Đây là một trong những lý do nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm không chịu khuất phục trước những khó khăn chất chồng, quyết tìm hướng đi cho cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão.

Bà Tâm nhớ lại, sau khi tìm ra bí quyết dệt lụa vân, bà chạy đôn chạy đáo khắp nơi ký gửi để giới thiệu sản phẩm. Từ Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội đến Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, không nơi đâu không có dấu chân bà. Tuy nhiên, những ngày đầu, số lượng khách đặt mua vẫn rất it, thanh toán lại chậm. Bên cạnh việc sản xuất lụa vân, cơ sở của gia đình bà phải sản xuất các loại lụa khác để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng và có vốn quay vòng.

Đến năm 2011, Hà Tây (cũ) tổ chức lễ hội, cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão được Sở Du lịch tỉnh cho phép đem sản phẩm đi triển lãm. Sau đó, khi các tỉnh có hội chợ, bà Tâm thường đích thân mang lụa vân đi quảng bá. Năm 2003, Tổng cục Du lịch cho phép mang lụa vân sang Nhật Bản giới thiệu sản phẩm... Từ những lần triển lãm như vậy việc gắn kết với du lịch, khách hàng biết đến sản phẩm lụa vân của Vạn Phúc nhiều hơn. Năm 2010, sản phẩm "lụa vân nghìn năm Thăng Long" của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được TP Hà Nội lựa chọn làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế đến tham dự Đại lễ. Năm 2011, sản phẩm lụa: "Vân lưỡng long" của gia đình bà được UBND TP Hà Nội chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Và bà Tâm cũng đã phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của đất nước…

Bà Tâm tự hào nói: "Cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão của gia đình chúng tôi hiện nay như một Vạn Phúc thu nhỏ. Mỗi vị khách đến đây đều có thể tìm cho mình những tinh hoa nhất của quê lụa". Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm kể lại chuyện một vị khách người Pháp 5 lần đến cơ sở dệt lụa của gia đình bà. Vị khách tâm sự, không lần nào đến Việt Nam mà ông không đến Vạn Phúc: "50 năm trước, quê hương tôi cũng có những khung cửi như vậy. Cha mẹ chúng tôi cũng từng làm công việc như bà. Tôi mãi mãi không thể tìm thấy hình ảnh quê nhà nữa cho đến khi tôi đến đây. Những tấm lụa, những khung cửi của bà làm tôi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ. Cảm ơn bà đã giúp tôi tìm lại một miền ký ức mà suýt nữa tôi đã đánh rơi".
Bà Tâm hạnh phúc vì lụa Vạn Phúc quê hương bà giờ đây đã đi khắp đó đây. Bà kể, lần đi Nhật Bản, đi Malaysia, Singapore... tôi đều nhìn thấy có người mặc áo lụa Hà Đông. "Lụa Vạn Phúc có ngôn ngữ riêng của nó, dù đi đâu tôi cũng nhận ra. Những lúc nhìn thấy người nước ngoài mặc áo lụa quê hương mình ở xứ sở của họ, tôi hạnh phúc lắm. Tôi tự hào vì lụa quê hương mình được nhiều người biết đến và có mặt khắp mọi nơi", nữ nghệ nhân vui vẻ nói.

Bà Nguyễn Thị Tâm đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải "Ngôi sao Việt Nam" tại Huế (2006); 2 lần nhận Giải "Bông hồng vàng Thủ đô" lần thứ I, II (năm 2008, 2010)… Năm 2013, bà được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, Hội Phụ nữ TP Hà Nội tặng Giấy khen vì đã có thành tích đóng góp cho phong trào phụ nữ Thủ đô. Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, bà vinh dự là một trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả đời người vì tấm lụa quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.