(HNMO) – Các bác sĩ phẫu thuật Mỹ mới đây cho biết, họ vừa thực hiện ca cấy ghép mặt phức tạp nhất trong lịch sử y khoa. Cuộc phẫu thuật đã mang lại cuộc sống mới cho một lính cứu hỏa tình nguyện 41 tuổi đến từ bang Mississippi (Mỹ).
Gương mặt của Patrick Hardison sau trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: BBC |
Ca phẫu thuật do một bác sỹ tại Trung tâm y tế Langone, thuộc Trường đại học New York (NYU), trực tiếp thực hiện.
Vào năm 2001, chàng thanh niên trẻ Patrick Hardison đã dũng cảm xông vào một ngôi nhà đang cháy để cứu người. Không may, mái nhà đổ sụp xuống, khiến mặt nạ cứu hỏa của Patrick Hardison bị cháy và để lại thương tích khá nặng trên gương mặt anh, tiến sỹ Eduardo Rodriguez - người đứng đầu bệnh viện với hơn 150 nhân viên tại NYU cho biết.
Lúc đó, Hardison đã nín thở và nhảy ra ngoài cửa sổ. Kết quả kiểm tra y tế sau đó cho thấy, bệnh nhân bị bỏng toàn bộ gương mặt, đầu, cổ và phần thân trên. Cụ thể, anh bị mất mí trái, hai tai, đôi môi và chiếc mũi, ngoài ra phần tóc của anh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Rodriguez nói thêm. Từ sau tai nạn đến nay, bệnh nhân này đã trải qua hơn 70 ca phẫu thuật.
Patrick Hardison trước khi bị thương khi làm nhiệm vụ. Ảnh: BBC |
Trước đó, một thành viên của nhà thờ Senatobia, Mississippi (nơi Hardison sinh sống) đã đến gặp tiến sỹ Rodriguez ở NYU với hi vọng ông sẽ mang lại một gương mặt mới cho Hardison.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công ca phẫu thuật, cần có một ai đó hiến tặng cho anh Hardison gương mặt mới.
Sau hơn 1 năm chờ đợi, cuối cùng anh đã tìm được người hiến tặng, đó là David Rodebaugh, 26 tuổi, một thợ sửa xe đạp, người đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông vào hồi tháng 8 vừa qua.
Người đã hiến tặng gương mặt cho Patrick Hardison. Ảnh: BBC |
Ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng của Patrick Hardison được diễn ra sau đó 2 ngày. Tiến sỹ Rodriguez và nhóm của ông đã từng bước phẫu thuật cấy ghép các bộ phận trên gương mặt của bệnh nhân, bao gồm một phần khuôn mặt, da đầu, tai, ống tai và các vùng xương từ cằm, má và toàn bộ chiếc mũi. Ngoài ra, phần mí mắt và các cơ mắt (chức năng giúp mắt nhấp nháy) cũng được phẫu thuật thành công.
Tiến sỹ Rodriguez tiết lộ: "Sau 3 tháng kể từ ca phẫu thuật, tình trạng bệnh và sức khỏe bệnh nhân đang dần hồi phục, dự kiến trong khoảng 6 tháng, anh ta sẽ có thể nói chuyện lại bình thường".
Được biết toàn bộ chi phí phẫu thuật (khoảng 850.000 - 1 triệu USD) sẽ do bệnh viện Langone chịu.
Trả lời phỏng vấn tạp chí New York, Hardison cho biết, trong quãng đời còn lại, anh sẽ phải chịu đựng rất nhiều đau đớn, nhưng để có được khuôn mặt mới này, anh nói rằng: “Tôi chấp nhận sống với nỗi đau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.