Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cả bị cáo, đại diện bị hại đều kêu oan

Hà Minh Luân| 09/01/2013 18:56

(HNMO) - Ngày 9-1, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án con trai giết mẹ ruột. Một vụ án gây dư luận xã hội xôn xao tại tỉnh Vĩnh Long từ năm 2007 cho đến nay.

Hai vợ chồng bị cáo Quyên trước vành móng ngựa.


Phiên tòa phúc thẩm được mở, khi có đơn kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn Quyên (SN 1962, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và cả 4 đại diện cho bị hại, gồm các ông Huỳnh Văn Hoặc (SN 1950, ngụ Vĩnh Long), Huỳnh Thị Biết (SN 1959, ngụ TP. Hồ Chí Minh). Huỳnh Thị Kiệm (SN 1956, ngụ TP.Hồ Chí Minh) và Huỳnh Thị Ấu (SN 1954, ngụ Đồng Tháp), đều là các anh chị ruột của bị cáo Quyên, đồng thời là con ruột của bị hại. Đáng lưu ý, tất cả đại diện bị hại đều có đơn kháng cáo kêu oan cho bị cáo Quyên và cho rằng cả hai vợ chồng em trai vô tội. Về phía các nhân chứng không có mặt tại phiên tòa, tuy nhiên, HĐXX và đại diện bị cáo, bị hại đều thống nhất tiếp tục diễn ra phiên tòa do tất cả đã có lời khai đầy đủ trong hồ sơ vụ án.

Bước vào phiên xét xử sơ thẩm, thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên tòa đã đọc tóm lược lại nội dung bản án sơ thẩm, trong đó tuyên án chung thân về hành vi giết người đối với bị cáo Quyên và mức án 4 năm 4 tháng 7 ngày tù đối với bị cáo Lê Thị Tám (SN 1967, vợ của Quyên) về tội “Che giấu tội phạm”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Vĩnh Long, vào rạng sáng ngày 7-2-2007, bị cáo Quyên đến bên giường ngủ của mẹ ruột là bà Dương Thị Tám để gọi mẹ thức dậy đi Cà Mau thăm nhà bà con. Tuy nhiên, do không hài lòng với các con về một số việc lặt vặt trong gia đình, lúc tỉnh dậy, bà Tám đã la rầy vợ chồng Quyên. Bà Tám cũng cương quyết không đi Cà Mau nữa. Do nóng giận, Quyên đã dùng tay trái bóp vào cổ áo bà Tám, tay phải ôm sau lưng kéo lại. Bà Tám vùng vẫy nên Quyên bóp mạnh tay hơn. Khi không còn thấy bà Tám cử động, cho rằng bà Tám đã chết, Quyên gọi vợ là Lê Thị Tám đến. Hai người bàn việc mang xác mẹ đi giấu để phi tang. Tuy nhiên, trong lúc mang xác bà Tám xuống bến sông trước nhà để đưa xuống xuồng chở ra sông để phi tang thì bị một số nhân chứng nhìn thấy.

Đến ngày 9-2-2007, khi thấy mẹ đột nhiên mất tích lâu ngày không về, các con của bà Tám đã chia nhau đi tìm mẹ. Lúc này, Quyên cũng tham gia tìm mẹ và sau đó phát hiện ra xác của bà Tám trôi trên sông, lúc đó cùng có sự chứng kiến của anh trai Quyên. Quyên nhận vớt xác mẹ mang về, nhưng trên xuồng chở xác mẹ qua đoạn sông vắng, Quyên cầm bao gạch (là vật chứng của vụ án) ném xuống sông để phi tang. Vụ việc đã được cơ quan công an địa phương phát hiện, sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đoàn khám nghiệm đến nhà bị cáo Quyên để khám nghiệm tử thi bà Dương Thị Tám. Một tháng sau, cả hai vợ chồng Quyên bị bắt khẩn cấp vì tình nghi là hung thủ, dìm xác mẹ xuống sông.

Trả lời xét hỏi trước tòa phúc thẩm, cả bị cáo Quyên và vợ là Lê Thị Tám đều khẳng định mình bị oan, và các nhân chứng đã vu oan cho họ. Đáng lưu ý, tất cả các đại diện bị hại (bà Tám đã mất) đều đồng loạt kêu oan cho bị cáo Quyên, vì cho rằng Quyên không giết hại mẹ ruột của mình.

Huỳnh Văn Quyên bị còng tay ngay khi bản án phúc thẩm được tuyên.

Trong phần tranh luận với đại diện Viện KSND, Luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cũng đã nêu ra nhiều điểm vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra phá án của cơ quan điều tra. Ngoài ra, luật sư này cũng chỉ ra giám định của cơ quan pháp y cho rằng bà Tám chết lâm sàng trước khi bị dìm xuống sông là thiếu cơ sở và không có căn cứ về y khoa. Do đó, Luật sư Tùng đề nghị HĐXX xem xét, thẩm định lại các bằng chứng từ phía cơ quan điều tra cà cơ quan y khoa, từ đó tuyên vô tội cho cả hai bị cáo.


Tuy nhiên, trong tranh luận lại, đại diện Viện KSND vẫn cho rằng bản án sơ thẩm đã căn cứ trên các quy định của pháp luật để tuyên án, do đó đảm bảo đúng người đúng tội. Tuy nhiên, vị đại diện Viện KS cũng thừa nhận vào thời gian đầu đã xuất hiện một số sai sót trong quá trình điều tra phá án, nhưng sau đó cơ quan điều tra đã làm việc chặt chẽ hơn và đảm bảo không lọt người, lọt tội.

Cuối cùng, sau thời gian nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, dù luật sư Trương Đình Tùng đã đưa ra những phân tích cụ thể về các vi phạm tố tụng, tuy nhiên xét thấy cấp sơ thẩm đã áp dụng đúng cơ sở pháp luật để luận tội, đồng thời có đầu đủ các chứng cứ để xác định tội giết người đối với bị cáo Quyên. Từ những lý do đó, HĐXX quyết định tuyên y án sơ thẩm, với mức án chung thân đối với bị cáo Huỳnh Văn Quyên. Riêng bị cáo Lê Thị Tám được cấp sơ thẩm tuyên mức án 4 năm 4 tháng 7 ngày tù về tội “Che dấu tội phạm”, đến nay đã chấp hành xong hình phạt tù.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả bị cáo, đại diện bị hại đều kêu oan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.