(HNM) -
Những nỗi băn khoăn trong "Bưu thiếp của rừng" - về một thế giới tinh thần phong phú, tinh tế của tuổi trẻ nói riêng, con người nói chung - thật ra, là điều đã được thể hiện trong nhiều sáng tác trước đó của chị. Phan Hồn Nhiên từng cho rằng văn học khác với các loại hình nghệ thuật khác ở chỗ nó có thể mổ xẻ một cách sâu sắc đời sống tinh thần. Và văn chương hiện đại, theo chị, cần tạo nên sự cộng hưởng với người đọc, để chính độc giả tự khám phá, trả lời câu hỏi cho những băn khoăn nảy sinh trong cuộc sống.
"Bưu thiếp của rừng" đặt mục tiêu rõ ràng là hướng tới tuổi mới lớn, đặc biệt là các bạn sinh viên. Nhà văn, nhà báo Phan Hồn Nhiên hiện công tác tại Báo Sinh viên Việt Nam (chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Có lẽ vì thế mà chị hiểu rõ giới trẻ, như đã từng chia sẻ với Hànộimới rằng: "Tiếp xúc với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, mình nhận thấy các bạn rất giỏi, đời sống tinh thần sâu sắc, phong phú nhưng hầu như biểu hiện bên ngoài của các bạn lại thường rất dễ gây hiểu lầm về sự bất cần, thậm chí màu mè hời hợt…
Tuổi trẻ thường đi qua những trạng thái mạnh mẽ, can đảm và đôi chút điên rồ. Đó là một thứ chất liệu đầy cảm hứng mà văn học ta chưa khai thác hết, trong khi văn học nước ngoài đã đi sâu khai thác mạnh mẽ phẩm chất lứa tuổi này". Tác giả của hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài, truyện fantasy (kỳ ảo) bày tỏ: Văn chương cho tuổi trẻ đâu cứ phải là kể chuyện yêu người này, theo người nọ, đành rằng nó là một biểu hiện của giai đoạn ấy nhưng lớn hơn cả, sâu thẳm trong mỗi người đang trẻ và đã đi qua tuổi trẻ vẫn là một khát khao khám phá, thấu hiểu mình và mọi người. Một sự kết nối thực sự, nhất là trong một thế giới có nhiều phương tiện giao tiếp như hôm nay.
"Bưu thiếp của rừng" hướng tới học sinh, sinh viên nên Phan Hồn Nhiên đã hạ "tông" viết ở mức nhẹ nhàng hơn, song vẫn rất tinh tế ở chỗ "lách" vào và chỉ ra những góc tâm lý lứa tuổi nhiều mâu thuẫn, đầy biến ảo. Một cuộc trở về với chính mình để yêu thương sự trong trẻo và trân trọng những giá trị tự thân như trong "Khoảnh khắc", rồi là sự dằn vặt trước bước ngoặt thời thanh niên trong "Một số người tốt"…
Hoặc dịu dàng hơn như trong "Nụ hôn", "Năm nhất". Phan Hồn Nhiên vẫn giữ lối viết giàu hình ảnh, đầy suy ngẫm và luôn dẫn dắt người đọc trở lại với nội tâm nhân vật. Đâu đó có những phát ngôn đặc trưng của tuổi trẻ, thốt ra trong những hoàn cảnh tự nhiên: "Không phải thế giới này đang ở thời đại phát điên lên vì lớp vỏ bề ngoài sao?", "Lúc nào đó trong cuộc sống, ai cũng cần được ôm, được cảm thấy ấm áp, một chút thôi cũng được…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.