Chính phủ phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%, hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, nhằm tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Mục tiêu quan trọng trên được Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ mười (tháng 9-2024) và tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới diễn ra tại Hà Nội.
Với việc hoàn thành thắng lợi toàn diện 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng năm 2024, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Điều quan trọng là nếu không phấn đấu, hướng đến các mục tiêu nêu trên thì nhiều khả năng không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025, không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cần quyết liệt triển khai các giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2025. Trong đó, cần thực hiện các giải pháp đột phá như hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao; tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.
Trước hết, Quốc hội và Chính phủ nhanh chóng cụ thể hóa các mục tiêu này để tổ chức thực hiện. Cụ thể, cần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực. Đặc biệt là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ.
Với chủ đề của năm 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội. Trong đó, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng trên.
Chính phủ ưu tiên đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, nhân lực để thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TƯ và coi đây là động lực quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Cùng với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, kiên quyết thu hồi những dự án triển khai không đúng tiến độ, Chính phủ cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công - tư; xây dựng tiêu chí và cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ, ngành, địa phương cần xác định “những việc cần làm ngay” và triển khai quyết liệt mới có thể đạt các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, các đầu tàu kinh tế lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và những tỉnh có mức tăng trưởng hai con số trong năm 2024 cần quyết tâm giữ vững và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa để làm động lực cho các địa phương khác cùng vươn lên. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước…
Với các giải pháp toàn diện và đột phá như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả nhiệm kỳ 2021-2025, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức trên 8% trong năm 2025 và hai con số ở giai đoạn tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.