Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý, sai phạm tràn lan

Ngọc Quỳnh| 10/11/2014 06:15

(HNM) - Vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng gia tăng, khiến cho dịch bệnh thủy sản liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Không những thế, người dân còn đang thực hiện kiểu đánh bắt "tận diệt" bằng xung điện khiến lượng thủy sản nước ngọt ngày một suy giảm, hủy diệt môi trường sống của các loài thủy sản.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, Thủ đô có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản là 30.840ha, trong đó: Ao, hồ nhỏ 6.706ha; hồ chứa mặt nước lớn 4.327ha; ruộng trũng 19.807ha. Ngoài ra, còn một số con sông để người dân khai thác nguồn lợi thủy sản và có khả năng phát triển nuôi cá lồng, bè như: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi, sông Đáy… Năm 2014, diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản của Hà Nội đạt 20.800ha, sản lượng ước đạt 80.000 tấn. Trong những năm gần đây nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, thủy vực… đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Hiện tượng khai thác, đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chất độc, chất nổ... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và sản lượng thủy sản tự nhiên trên các sông, hồ, đồng ruộng. Việc khai thác thủy sản bằng xung điện đã làm chết các loài thủy sản ở mọi giai đoạn phát triển từ trứng, con non và trưởng thành cũng như các loài thủy sinh vật có trong môi trường nước như giun, côn trùng... Ngoài ra, tình trạng khai thác này còn gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, thay đổi các yếu tố môi trường nước O2, PH… gây ô nhiễm môi trường nước. Theo tính toán của các chuyên gia, đánh bắt được một con bằng xung điện sẽ giết chết 200 con khác do bị ảnh hưởng của điện từ phóng ra.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, việc sử dụng kích điện trong đánh bắt thủy sản vẫn còn tồn tại ở các địa phương, tuy nhiên để kiểm soát được việc này rất khó khăn bởi địa bàn rộng, lực lượng chuyên môn ít, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự vào cuộc. Tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện vẫn xảy ra nhưng thường vào buổi chiều và tối hoặc sau khi trời mưa vì vậy khó cho cơ quan quản lý. Chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng bộ kích điện mới chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện nên không đủ sức răn đe. Hằng năm, công tác tuyên truyền đã được chú ý, song số lượng người dân được cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn còn ít. Thậm chí một số người dân còn không thấy được tác hại của việc sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản.

Ông Phạm Văn Khiêm ở xã Phương Trung (Thanh Oai) cho biết, do gia đình còn khó khăn nên hằng ngày ông vẫn thường xuyên đi đánh bắt cá bằng xung điện, trước đây mỗi ngày đi đánh bắt cá ở các mương, hồ của các xã lân cận, bán đi cũng được 200-300 nghìn đồng/ngày, nhưng hiện nay do nguồn lợi cá, tôm không nhiều, thu nhập chỉ bằng 50%.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế việc này, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, triển khai tuần tra, xử lý việc sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013 của Chính phủ về xử phạt đối với việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, mỗi năm các địa phương cần thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả giống bổ sung vào nguồn lợi tự nhiên để bù lại lượng cá do nhân dân đánh bắt cá bằng xung điện.

Để từng bước giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần có những chế tài xử phạt nặng hơn bằng biện pháp hành chính. Chính quyền các địa phương cần thường xuyên kiểm tra những địa bàn mà người dân hay đánh bắt cá, đồng thời giao cho cán bộ thôn, xóm quản lý trực tiếp, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý theo quy định. Thực tế, hầu hết những người dân khi đánh bắt thủy sản bằng xung điện đều có đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm, vì vậy các địa phương nên định hướng, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp sang làm các công việc khác giúp họ có thu nhập ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý, sai phạm tràn lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.