(HNM) - Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa thông qua kế hoạch mở rộng phái bộ của quân đội nước này tại Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí cho các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức cực đoan khác ở Bắc Phi.
Kế hoạch này cho thấy sự cần thiết trong ngăn chặn nạn buôn lậu súng vốn gây ra nhiều nhức nhối trên khắp Châu Âu lẫn Trung Đông, đặc biệt tại các thị trường chợ đen xung quanh khu vực biển Địa Trung Hải.
Từ những năm 1980, các chuyên gia quân sự thế giới đã ước tính tổng giá trị của các thương vụ mua bán vũ khí bất hợp pháp vào thời điểm ấy đã lên tới 60 tỷ USD/năm, trong đó 80% là súng cá nhân. Theo các chuyên gia vũ khí Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu khẩu súng cá nhân mà nguồn gốc xuất phát từ thị trường chợ đen. Phần lớn số súng này nằm trong tay những nhóm khủng bố, các tổ chức tôn giáo cực đoan, những phần tử nổi dậy chống chính phủ, các băng đảng xã hội đen, các nhóm cướp biển…, số còn lại là người dân tại những vùng đang xảy ra giao tranh ở Đông Âu, Trung Đông, Nam Á, Châu Phi…, mua để bảo vệ bản thân và gia đình mình.
Có thể nói, ở đâu có xung đột ở đó thị trường chợ đen vũ khí nổi lên. Đó là lý do vì sao các thị trường vũ khí chợ đen lớn nhất trên thế giới đều nằm quanh Địa Trung Hải, trong đó có khu vực miền Tây bán đảo Balkans, gồm: Serbia, Montenegro, Bosnia, Croatia và Slovenia, tiếp đến là Ukraine rồi Syria, Iraq, Afghanistan, Libya và sau này là Yemen. Tại Balkans, sau những cuộc chiến tranh liên miên diễn ra vào thập niên 90 của thế kỷ trước, có khoảng 4 triệu khẩu súng không nằm trong sự kiểm soát của chính phủ các quốc gia trong vùng. Riêng Ukraine, con số này là 4,5 triệu khẩu. Ông George Uchaikin, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Hiệp hội chủ sở hữu súng Ukraine cho biết: "Bây giờ, mua súng ở thủ đô Kiev là chuyện rất đơn giản, giống như mua một gói thuốc lá".
Tại Iraq, Afghanistan, với số tiền viện trợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, quân đội hai quốc gia này thừa điều kiện để thay thế dòng súng chủ lực của bộ binh là AK47 bằng những loại khác hiện đại hơn. Lượng súng thừa một phần bị binh sĩ đánh cắp, bán ra thị trường chợ đen, còn hầu hết đều được thanh lý mà bên mua là những công ty kinh doanh vũ khí hợp pháp nhưng sau đó họ bán cho ai thì khó mà kiểm soát được.
Trong khi đó, ở Lebanon, hồi năm 2015, đã có một lượng lớn vũ khí được chuyển đến thủ đô Tripoli của Lybia. Nguồn gốc cũng như điểm đến cuối cùng của số hàng này vẫn là điều bí ẩn. Theo các nguồn tin từ Cơ quan An ninh Lebanon, số vũ khí, chủ yếu là AK47 và súng chống tăng RPG có thể sẽ được đưa vào Syria để bán cho các nhóm nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời cũng không loại trừ khả năng nó được bán cho IS. Dù nước này đã có những nỗ lực trong chấm dứt nạn buôn lậu vũ khí bằng cách triển khai quân ở phía nam, dọc biên giới với Syria, nơi tổ chức Hezbollah đang hoạt động nhưng tình hình bất an ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đã tạo điều kiện cho thị trường vũ khí chợ đen nở rộ.
Trước những hoạt động buôn bán vũ khí trái phép diễn ra “sôi động” như vậy, việc giám sát biển Địa Trung Hải chỉ là một giải pháp tạm thời. Điều quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm hạn chế việc buôn bán tràn lan những công cụ có thể cướp đi mạng sống của con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.