Trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, ngược dòng ký ức trở về 70 năm trước, năm Giáp Ngọ 1954, dễ thấy được bước trưởng thành mạnh mẽ của đô thị Hà Nội. Theo thời gian, từng bước, từng bước, khát vọng hóa rồng đang dần được hiện thực hóa.
Trang sử và tầm vóc mới
Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Tiến sĩ, kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc sư trưởng thành phố, bước vào “bát thập”. Dù vậy, ông được trời phú cho trí nhớ minh mẫn và sức khỏe dẻo dai để những dịp cao hứng vẫn điều khiển chiếc xe máy thăm thú phố phường. Được ngắm nhìn những khu đô thị khang trang, hiện đại trong không gian xanh đặc trưng của Hà Nội, đó là niềm vui lớn của người đã từng đóng góp công sức “vẽ” nên diện mạo phố phường hôm nay.
“Năm 1954, khi tiếp quản Hà Nội, diện tích thành phố vẻn vẹn 152km2, với 8 quận, huyện thì đến nay, sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội có diện tích 3.344km2, là đô thị lớn nhất nước với 30 đơn vị hành chính và 579 xã, phường, thị trấn. Dân số Thủ đô đứng vị trí thứ hai trong cả nước” - KTS Đào Ngọc Nghiêm khái quát sự thay đổi về tầm vóc Thủ đô trong 70 năm qua.
Cũng trong chặng đường dài ấy, Thủ đô đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Thành phố được trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình”, là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế và đang triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh. Đây là niềm tự hào, là động lực để Hà Nội phát triển thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu phát triển đến năm 2045 được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diện mạo đô thị cũng có sự thay đổi lớn lao trong 70 năm qua. Sau khi hòa bình lập lại, Thành phố phải giải quyết các khu nhà ổ chuột, nhà tạm bợ. Tòa nhà cao nhất chỉ có 7 tầng - trên phố Tràng Tiền, do người Pháp để lại. Đến cuối những năm 1980, tòa nhà cao nhất là khách sạn Thăng Long - 11 tầng... Ngày nay, Hà Nội có rất nhiều công trình cao tầng, trong đó có những công trình điểm nhấn của Thủ đô như tòa nhà Keangnam cao 72 tầng; tới đây sẽ có tòa tháp tài chính cao 108 tầng trong khuôn khổ dự án Thành phố thông minh. Hiện thành phố có hơn 200 khu đô thị và hơn 700 dự án nhà ở; vấn đề không gian xanh ngày càng được chú trọng và chất lượng cư trú được cải thiện đáng kể.
“Hà Nội không chỉ tiên phong sử dụng không gian trên cao mà còn là đô thị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm. Đây cũng chính là định hướng được xác định ở trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội và trong các đồ án quy hoạch Thủ đô đang được nghiên cứu” - KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho hay.
Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, một trong những khâu đột phá, làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô là việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội cũ với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính, cũng như các hoạt động đầu tư cho hệ thống giao thông Thủ đô kết nối với các vùng lân cận. Trong quá trình phát triển đô thị, ở vị thế Thủ đô, Hà Nội vẫn lưu giữ các điểm dân cư nông thôn. Thành phố hiện có tới 401 quy hoạch về nông thôn mới và Hà Nội là thành phố dẫn đầu cả nước về phần việc này.
Hiện thực hóa khát vọng hóa rồng
Năm Giáp Thìn 2024, Thủ đô sẽ có thêm những trụ cột vững chắc để hoạch định vóc dáng, tầm phát triển. Năm cũ 2023 sắp qua đi là dấu mốc đặc biệt quan trọng khi Hà Nội lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 song song với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). "Việc tiến hành cả 3 công việc cùng một lúc là cơ hội vô cùng quý giá để Hà Nội thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và thế giới" - Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.
Riêng với nhiệm vụ lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đến nay, những định hướng lớn ban đầu về phát triển không gian và hạ tầng đô thị đã hình thành, được HĐND thành phố vừa thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023 và đang tiếp tục được tham vấn, góp ý hoàn thiện. Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, đơn vị lập điều chỉnh Quy hoạch chung, những định hướng chính cơ bản ban đầu về tổ chức không gian, hạ tầng khung là hình thành sân bay thứ hai ở phía nam Thủ đô; là hai “Thành phố trực thuộc Thủ đô”; 5 trục không gian cảnh quan chính của Thủ đô. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển khu vực đô thị phía tây Vành đai 4; rà soát lại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, hạ tầng giao thông…
Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng, những mô hình, cấu trúc phát triển mới mà Hà Nội hướng tới, đặc biệt là việc xây dựng ở hai bên bờ sông Hồng sẽ là điểm nhấn trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Với Hà Nội, sông Hồng là điểm nhấn quan trọng trong các đồ án quy hoạch mới, giúp Thủ đô khai thác nhiều hơn không gian xanh hai bên bờ sông, hình thành những khu vực trung tâm thương mại dịch vụ, khu vực nhà ở gắn với không gian cộng đồng. Các đơn vị lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang có bước đi khá phù hợp với mong muốn của người dân Thủ đô.
Lịch sử luôn hàm chứa cơ duyên. Nếu năm Giáp Ngọ là mốc son lịch sử chói lọi của quân và dân Hà Nội khi Thủ đô được giải phóng thì 70 năm sau, đón xuân Giáp Thìn, Hà Nội đã bồi tụ nhiều nguồn lực để hiện thực hóa khát vọng hóa rồng với một tâm thế, tầm vóc mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.