Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Bách Sen| 18/01/2011 06:53

(HNM) - Năm năm thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến 2020", lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược dài hạn khá toàn diện, với những bước đi và giải pháp tương đối cơ bản cho việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Mục tiêu là giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Thể chế đi trước một bước
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48, các cơ quan của TƯ và địa phương đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức phổ biến, nhằm quán triệt từng nội dung đến các đơn vị trực thuộc và từng cán bộ, đảng viên. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, TP Cần Thơ… còn đưa ra nhiều cách làm sáng tạo. Đó là yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu các định hướng đã được đề ra trong chiến lược, rồi cụ thể hóa đến từng lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai thực hiện theo từng tháng, từng quý. Do đó, nhiều vướng mắc liên quan đến đời sống dân sinh thuộc các ngành, địa phương này quản lý đã được rà soát, cụ thể hóa bằng những văn bản, quy phạm mang lại hiệu quả thiết thực.

Đây là kết quả đạt được lớn nhất trong công tác xây dựng pháp luật khi thực hiện Nghị quyết 48. Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, hoạt động xây dựng pháp luật đã có những tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn 2000-2004. Cụ thể, nhiệm kỳ QH Khóa XI, QH đã thông qua 64 luật theo đề xuất của các bộ, ngành. Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã thông qua 10 pháp lệnh. Đến nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã thông qua 64 luật, UBTVQH đã thông qua 11 pháp lệnh; theo dự kiến, đến tháng 3-2011 - kỳ họp cuối, QH Khóa XII thông qua tổng số 69 luật. Các văn bản đều tập trung vào 6 định hướng của Nghị quyết 48, đáp ứng cơ bản các tiêu chí đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Do đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Tổng sản phẩm trong nước tăng trưởng với nhịp độ cao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, bình đẳng giới có nhiều tiến bộ; dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục được mở rộng. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

"Nếu so với tổng số các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành trong 20 năm qua thì con số nói trên thực sự ấn tượng. Không dừng ở số lượng lớn, chất lượng văn bản ngày càng bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn đời sống", bà Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp, Bộ Tư pháp khẳng định.

Những điểm cần tiếp tục tháo gỡ
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hạn chế lớn đang tồn tại hiện nay là khả năng dự báo thấp. Tính riêng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH Khóa XII đã có tới ba lần điều chỉnh. Nhìn trên bình diện chung, các luật ban hành mới được các bộ, ngành soạn thảo coi trọng ở góc độ xử lý, trấn áp vi phạm, còn việc tổ chức xây dựng vẫn chưa đúng tầm. Đáng chú ý là nhiều dự án luật còn nặng lợi ích cục bộ của một số ngành...

Trong lĩnh vực pháp luật về dân sự, kinh tế, việc thiếu minh định rõ sở hữu công cộng đối với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và những vướng mắc về thủ tục hành chính - cả trong thể chế lẫn trong thực tiễn thi hành - đang là rào cản lớn đối với quá trình tham gia thị trường quốc tế, làm giảm sức cạnh tranh của nước ta. Ví dụ điển hình là sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hết hiệu lực thi hành nhưng việc ra các văn bản cần thiết để điều chỉnh vấn đề quản lý vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp khác còn chậm gây lúng túng trong quản lý, giám sát và đánh giá chất lượng vốn. Những nhược điểm này gây tác động xấu đến hiệu quả quản lý nhà nước, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai khẳng định, trong thời gian tới cần có thêm một đánh giá tổng quát về mục tiêu xây dựng pháp luật theo định hướng đã đề ra vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm công bằng xã hội, quyền con người, tự do, dân chủ của công dân. Theo bà Trương Thị Mai, cách đánh giá thực thi pháp luật phải đồng bộ, không nên chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, mà bao hàm cả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân cũng như ý thức chấp hành pháp luật của họ.

Bên cạnh đó, tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, kinh phí cấp cho hoạt động của các tổ chức pháp chế còn rất hạn chế. Nhiều bộ, ngành không có nguồn riêng cho hoạt động xây dựng VBQPPL và cũng chưa có cơ chế cấp phát cụ thể. "Vấn đề là nhận thức của lãnh đạo các ngành cũng phải được đổi mới. Việc thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị phải bắt đầu từ chính khâu nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện thì việc triển khai mới đạt kết quả như mong muốn" - GS-TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

Đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước thực sự khoa học

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải coi là nhiệm vụ "trọng tâm của trọng tâm" trong vòng 5 năm tới, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước thực sự khoa học. Mặt khác, cần nghiên cứu để hợp nhất hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của TƯ và địa phương; đồng thời bổ sung kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để tổ chức thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị (nghị quyết này đã nêu nhưng trên thực tế không thành lập mà giao cho UBTVQH) để bảo đảm việc thực hiện các nội dung của nghị quyết đúng định hướng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến trong xây dựng nhà nước pháp quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.