Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Quỳnh Dương| 15/10/2022 06:27

(HNM) - Nhằm nỗ lực đạt được những mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Washington (Mỹ), các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đưa lượng khí phát thải về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, G7 còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bảo đảm sự công bằng và bền vững để củng cố an ninh năng lượng.

Nắng nóng bất thường gây thiệt hại nặng cho ngành Nông nghiệp châu Âu.

Cam kết của các nhà lãnh đạo tài chính G7 được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến được tổ chức tại Ai Cập vào đầu tháng 11 tới. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đây là vấn đề mang tính sống còn đối với sự an toàn và tồn tại của loài người bởi nhân loại đang đối mặt với những tác động to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu. Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, châu Âu đã phải trải qua một mùa hè nóng nhất trong vòng 500 năm; 1/3 quốc gia Pakistan phải hứng chịu cảnh ngập lụt; bão lũ liên tục đổ bộ vào Mỹ, Philippines. Điều này chứng tỏ không có nước nào là ngoại lệ khi thời tiết trở nên cực đoan.

Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu thảm họa có trụ sở tại Brussels (Bỉ), các trận hạn hán, lũ lụt và mưa bão năm ngoái đã gây thiệt hại hơn 224 tỷ USD trên toàn cầu. Khi biến đổi khí hậu thúc đẩy lượng mưa, lũ lụt và hạn hán trở nên dữ dội hơn trong những thập kỷ tới, các chi phí này sẽ tăng lên. Tại Mỹ, thiệt hại có thể lên tới 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm khoảng 0,5% mỗi năm cho đến thời điểm đó. Trong 5 lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, sản xuất và phân phối sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, lên đến 4,2 nghìn tỷ USD, vì hạn hán sẽ làm gián đoạn sản xuất, trong khi mưa bão, lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng và hàng tồn kho. Ngành Nông nghiệp, dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mưa lớn, có thể bị thiệt hại 332 tỷ USD vào năm 2050. Các lĩnh vực khác cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn là bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm và năng lượng.

Trước những vấn đề cấp bách liên quan tới biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi thế giới hãy ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay hành động ngay. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, do cam kết của các nước công nghiệp phát triển cũng như những thành viên còn lại trong nhóm các nền kinh tế lớn (G20) còn quá ít và quá chậm trễ nên với tốc độ ứng phó như hiện tại, thế giới không thể hạn chế được mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, chưa nói đến mục tiêu 1,5 độ C đã đề ra.

Trong bối cảnh như vậy, cam kết của các nhà lãnh đạo tài chính G7 nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng thế giới. Ngoài quyết tâm bảo đảm lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, G7 cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương G7 nhấn mạnh việc phát triển thị trường các bon với độ minh bạch cao và định giá các bon sẽ thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu mức phát thải với chi phí thấp, cũng như khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực liên quan tới khí hậu.

Đánh giá về cam kết mà các nhà lãnh đạo tài chính G7 vừa đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế và khí hậu nhận định, động thái này sẽ tạo đà để các quốc gia phát triển mạnh dạn hơn trong các quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh COP27.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.