(HNM) - Một tháng sau ngày khai giảng năm học 2011-2012, việc tuyển dụng giáo viên (GV) để bổ sung cho các nhà trường đã cơ bản hoàn thành. Song đã thấy xuất hiện không ít phàn nàn về những hạn chế của nhiều tân GV khi được giao nhiệm vụ.
Xét tuyển: Giỏi trượt, kém đỗ?
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, năm 2011, có gần 7.000 GV được tuyển bổ sung cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. Ghi nhận từ các phòng GD-ĐT và nhà trường cho thấy, việc tuyển dụng GV bằng phương thức xét tuyển chưa đạt kết quả như mong muốn và yêu cầu nhiệm vụ hiện nay của ngành GD-ĐT. Đơn giản như việc để "lọt" những GV lên bục giảng còn phát âm ngọng, hay nói tiếng địa phương thì cũng là không đáp ứng yêu cầu. Bởi với đối tượng là trẻ mầm non, HS tiểu học - khi các em học nói và bắt đầu những bài học đầu tiên về học vần, về luyện âm, về tập đọc, nghe viết chính tả… lời ăn, tiếng nói của cô giáo không thể nói là không quan trọng.
Kết hợp quy chế xét tuyển với thực hành và đặc thù của địa phương sẽ tìm được giáo viên có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Linh Tâm |
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho rằng, đặc thù của ngành GD-ĐT đòi hỏi mỗi GV không chỉ phải đạt chuẩn về bằng cấp, mà còn phải "chuẩn" khi đứng trên bục giảng. Đó là sự hoàn thiện của người GV về cả hình thức, sức khỏe, nhân cách, trình độ, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sư phạm. Phương án xét tuyển có cái "được" là tổ chức gọn gàng, độ an toàn cao, ít gây bức xúc, song lại không phản ánh được hết năng lực về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm thực tế của thí sinh (TS). Vì xét tuyển chỉ dựa trên hồ sơ học bạ nên người tuyển dụng các quận, huyện, thị xã không trực tiếp "mắt thấy, tai nghe" TS thể hiện năng lực, đến khi được tuyển dụng rồi, có hiệu trưởng mới phát hiện TS có khiếm khuyết. Ông Đặng Việt Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên cho biết, đã có hiệu trưởng báo cáo phản ánh trình độ và kỹ năng sư phạm của một vài GV mới rất kém, khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Còn theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, có nhiều GV đã gắn bó với ngành nhiều năm, tâm huyết và có kỹ năng sư phạm tốt, song khi xét tuyển họ khó có cơ hội tiếp tục cống hiến; thực tế có những sinh viên tốt nghiệp bằng khá, giỏi nhưng lại nói ngọng, thậm chí viết sai chính tả. Trong khi đó, tình trạng TS tỉnh xa "phù phép", trang bị cho mình hộ khẩu thường trú tại Hà Nội để được tham gia dự tuyển ngày càng nhiều, trở thành mối lo của không ít cán bộ quản lý. Đã có hiệu trưởng không biết giải thích thế nào với phụ huynh khi họ phàn nàn về chuyện con họ không hiểu cô nói gì, hoặc cháu đi học về nói những từ mà bố mẹ đoán mãi không ra.
Phương án xét tuyển với căn cứ cơ bản là kết quả học tập trung bình toàn khóa của TS còn khiến nhiều người băn khoăn vì việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên ở mỗi trường sư phạm chưa dựa trên một "thước đo chung", không loại trừ trường hợp có dấu hiệu tiêu cực để nâng điểm mà hội đồng tuyển dụng phải chấp nhận. Một vài ví dụ tại quận Hoàn Kiếm, đơn vị duy nhất giữ quan điểm phải kết hợp với xét hồ sơ và kiểm tra khả năng sư phạm cho thấy rõ điều này. Một giáo viên đăng ký dự tuyển vào vị trí tổng phụ trách, nhưng khi cô hô học sinh chào cờ trong buổi sinh hoạt toàn trường, cả trường cười ầm lên vì giọng nói của cô, khiến BGH phải can thiệp mới giữ được trật tự. Một giáo viên khác tốt nghiệp sư phạm loại giỏi nhưng hết một tiết dạy vẫn chưa xong phần mở đầu. "Có kiểm tra mới phát hiện ra những điều ấy, còn xét tuyển qua hồ sơ thì làm sao biết được", một vị lãnh đạo quận chia sẻ.
Chọn người tài - cách nào?
Ông Đỗ Văn Chinh, Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận rằng phương thức tuyển dụng dù là xét tuyển hay thi tuyển đều có những mặt ưu điểm và hạn chế nhất định. Thực tế cho thấy, vì xét tuyển chỉ dựa trên hồ sơ của TS nên kết quả là "tĩnh", việc tác động của yếu tố bên ngoài tới kết quả xét tuyển không dễ nên hạn chế được nhiều biểu hiện tiêu cực. Nhưng việc áp dụng phương án xét tuyển không phản ánh hết năng lực thực tế của TS, giọng nói, ngữ điệu do ảnh hưởng từ tiếng địa phương khó bị loại bỏ. Quá trình tổ chức thi tuyển cũng bộc lộ nhiều điểm yếu như việc chấm điểm có nơi còn thiếu khách quan, theo "địa chỉ" hoặc thiên vị với TS đang làm hợp đồng; có nơi từng xảy ra tình trạng điểm phỏng vấn của TS hệ tại chức rất cao, kết quả thi của TS tốt nghiệp hệ chính quy lại thấp. Tuy nhiên, tránh tiêu cực và chọn một cách tuyển dụng nhàn hơn là ngành giáo dục đã chấp nhận từ bỏ quyền của mình và trao quyền đó cho các đơn vị khác. Đây là một bước lùi của phân cấp quản lý.
Có lẽ, đã thấy rõ những vấn đề của kỳ tuyển dụng vừa qua, Sở GD-ĐT đã chính thức đề nghị và được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho thí điểm tổ chức tuyển dụng viên chức GV theo hình thức xét tuyển có cộng điểm phần thực hành và điểm đặc thù địa phương. Trong đó, phần thực hành gồm soạn giáo án và giảng dạy một tiết trên lớp; phần đặc thù địa phương được dự kiến là những yêu cầu riêng về trình độ, năng lực. Phương án này được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa ưu điểm của việc thi và xét tuyển. Theo kế hoạch, phương án này sẽ được áp dụng ngay cho kỳ tuyển dụng GV các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường TCCN vào cuối năm nay.
Cũng theo ông Đỗ Văn Chinh, những hạn chế của đợt xét tuyển đầu năm học có thể "sửa" bằng cách nếu TS trúng tuyển không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sử dụng lao động có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền không xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức bởi TS phải trải qua thời gian thử việc từ 6 tháng đến 1 năm, tùy theo loại viên chức. Nhưng liệu có ai "dám" và "nỡ" làm thế? Và nỗi lo chất lượng những người đứng trên bục giảng sẽ vẫn còn đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.