(HNM) - Mọi tranh cãi căng thẳng trong tiến trình thành lập Chính phủ mới tại Anh đã kết thúc vào rạng sáng 12-5 (giờ Việt Nam), chỉ ít giờ sau khi Thủ tướng Anh Gordon Brown đệ đơn xin từ chức lên Nữ hoàng. Lãnh đạo đảng Bảo thủ David Cameron (43 tuổi), cùng ngày, đã chính thức trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất của xứ sở Sương mù trong gần 2 thế kỷ qua.
Tân Thủ tướng Anh David Cameron |
Như vậy, đảng Bảo thủ sau 13 năm ở vị trí đối lập đã trở lại nắm quyền lãnh đạo nước Anh và đây là lần đầu tiên trong 70 năm qua, nước Anh lại có một chính phủ liên minh điều hành đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên, đảng Dân chủ Tự do nắm trong tay vai trò cán cân quyền lực trên chính trường - một nhân tố làm chấm dứt mô hình lưỡng đảng kéo dài tại Anh.
Việc 2 đảng đối lập đạt được thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh Bảo thủ - Dân chủ Tự do thực sự là "cú đánh" bất ngờ với Công đảng. Điều này khiến quyết định từ chức của vị Chủ tịch Công đảng G.Brown nhằm mở đường cho Công đảng đàm phán với đảng Dân chủ Tự do ngõ hầu tạo cơ may cuối cùng để Công đảng tiếp tục cầm quyền, trở thành một "hy sinh" vô ích.
Vừa trở thành cựu Thủ tướng xứ sở Sương mù, hẳn ông G.Brown không muốn thời gian tại vị ngắn ngủi chỉ chưa đầy 3 năm. Tuy nhiên, con đường sau khi bước chân vào tòa nhà số 10 phố Downing (6-2007) của ông G.Brown không trải hoa hồng mà đầy rẫy chông gai: những vụ tấn công khủng bố, dịch lở mồm long móng và bão lụt... xảy ra trên khắp đất nước. Trầm trọng nhất là "cơn bão tài chính" từ Mỹ lan ra toàn thế giới đã khiến nền kinh tế Anh chao đảo. Thế nên, dù được đánh giá là một nhà kinh tế giỏi, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, nhưng vị Thủ tướng ở độ tuổi lục tuần này cũng không giúp nước Anh thoát khỏi cơn khủng hoảng. Những chỉ trích ngày một tăng khiến uy tín chính trị của G.Brown và đảng cầm quyền ngày càng sụt giảm. Hậu quả là, Công đảng phải nếm trải những thất bại khi lần lượt để thua tại các cuộc bầu cử Thị trưởng London và những cuộc bầu cử địa phương tại Wales, Crewe Glasgow. Thất bại tại cuộc bầu cử Quốc hội lần này như "cơn thịnh nộ" cuối cùng của cử tri dành cho Công đảng. "Giấc mơ" số 10 phố Downing của ông Gordon Brown đã khép lại trong tiếc nuối.
Song, dù Công đảng có đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ Tự do thì liên minh này cũng không đủ đa số trong Quốc hội vì số ghế của 2 đảng cộng lại cũng chỉ có 315. Để đạt được mốc quá bán là 326, Công đảng và đảng Dân chủ Tự do cần phải liên kết thêm với những đảng nhỏ khác. Nhưng sự kết hợp nhiều đảng luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Đây là nguyên nhân "chết người" khiến Công đảng bị đẩy khỏi cuộc chơi quyền lực suốt đêm qua giữa 3 đảng: Bảo thủ, Dân chủ Tự do, Công đảng.
Trong khi đó, thỏa thuận chia sẻ quyền lực Bảo thủ - Dân chủ Tự do đã mang lại số ghế vượt khá xa mốc quá bán cần có trong Quốc hội. Với mục tiêu thành lập "liên minh đúng đắn và toàn diện" với đảng Dân chủ Tự do để xây dựng một "chính phủ vững mạnh và ổn định", tân Thủ tướng D.Cameron đã ngay lập tức bổ nhiệm thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg làm Phó Thủ tướng và dự kiến đảng này sẽ có 5 ghế trong Chính phủ liên minh mới. Ngoài mục đích chung "vì lợi ích của đất nước", động thái trên của ông D.Cameron được coi là bước đi đầu tiên nhằm xoa dịu những căng thẳng vốn có với đảng Dân chủ Tự do.
Thế nhưng, vẫn có không ít nghi ngờ về "tuổi thọ" của chính phủ liên minh. Để hoàn thành được nhiệm vụ của người "thuyền trưởng" chèo lái nước Anh khỏi cơn suy thoái, cả hai đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do đều phải nỗ lực duy trì một chính phủ ổn định, đồng tâm hợp lực. Điều này chưa bao giờ dễ dàng với bất kỳ một chính phủ liên minh nào.
Bên cạnh đó, tân Thủ tướng D.Cameron và Chính phủ liên minh mới đang phải đứng trước những thách thức lớn và "tuần trăng mật" ngọt ngào nếu có cũng sẽ rất khó khăn. Trước mắt, tân Chính phủ Anh sẽ phải nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đang "lâm trọng bệnh"do cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; đồng thời thu hẹp mức thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức báo động tới 12% GDP - cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II và cũng chiếm "ngôi đầu" trong Liên minh châu Âu (EU).
Bước ngoặt chính trường Anh đã đưa hai nhà lãnh đạo trẻ, được đánh giá là năng động nhưng ít kinh nghiệm - D.Cameron và N.Clegg đứng trước những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Vượt qua được những thách thức trên không dễ dàng với tân Chính phủ liên minh ở London. Do đó, làn gió mới sẽ chỉ thật sự đến với nước Anh khi những bất đồng trong liên minh cầm quyền được khỏa lấp và những quyết sách mới, táo bạo và hiệu quả được thực thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.