Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt giúp giảm nghèo bền vững

Hiền Phương| 05/12/2015 08:13

(HNM) - Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia, Việt Nam được đánh giá là một trong 6 quốc gia hoàn thành mục tiêu trước thời hạn, là điểm sáng về công tác giảm nghèo.

Người nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, một trong những kênh hỗ trợ giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Bá Hoạt


Tuy nhiên, để giảm nghèo thực sự bền vững, đồng đều, ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong chính sách giảm nghèo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, 5 năm qua, Nhà nước đã đầu tư 172.000 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh ở tất cả các địa phương. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 5,97% thì cuối năm 2015 ước còn khoảng dưới 5%. Riêng đối với các xã nghèo thuộc diện 30a, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 28%. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức, bởi giảm nghèo chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn cao, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, nguồn lực đầu tư dàn trải…

Từ thực tế triển khai các chương trình giảm nghèo trong thời gian qua, Chính phủ nhận thấy, để giảm nghèo bền vững cần thay đổi cách tiếp cận về đói nghèo. Vì vậy, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành bao gồm mức thu nhập cao hơn mức hiện nay và quy định cả tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin. Cụ thể là: Chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 về thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Với mức quy định về thu nhập này, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ khoảng 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1-1-2016.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều của Việt Nam thích ứng với mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc vừa thông qua và còn giúp nhiều người dân hưởng lợi. Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết: "Trước đây, khi xây dựng chính sách, Việt Nam căn cứ vào tiêu chí thu nhập để đánh giá ai có mức thu nhập dưới mức quy định thì được coi là hộ nghèo.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, cách đánh giá đó chưa thực sự chính xác bởi nghèo không chỉ là thiếu tiền mà còn là thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ khác. Vì vậy, Quyết định 59 vừa ban hành sẽ đồng thời đo về thu nhập và đo về mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản và đặc biệt là chuẩn nghèo theo thu nhập được Chính phủ điều chỉnh sát với mức sống tối thiểu. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn".

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đưa ra mục tiêu: Giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản khó khăn. Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 41.449 tỷ đồng và 4.712 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tìm nguồn lực để bố trí ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo và cận nghèo. Song song với bảo đảm vốn là rà soát để điều chỉnh chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ cho vay, phân loại chính xác đối tượng hộ nghèo. Để thực hiện tốt những chỉ tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về xóa đói giảm nghèo đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ rà soát lại chính sách đối với người nghèo để từ đó phân công trách nhiệm của từng ngành trong từng lĩnh vực. Mỗi ngành phải có trách nhiệm cụ thể trong từng chỉ tiêu giảm nghèo, đồng thời chuyển từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia nói chung còn 2 chương trình (gồm Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới) để tập trung nguồn lực vào các địa phương, đối tượng còn khó khăn nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét và cân đối các phương án để bảo đảm tài chính thực hiện…

Thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều như trước đây sang đa chiều trong thời gian tới cần có sự rà soát các chính sách hỗ trợ hộ nghèo một cách tổng quát nhất, bởi các chính sách dành cho hộ nghèo, người nghèo nằm ở hầu khắp các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp… Sau tổng hợp rà soát sẽ có những đối chiếu, so sánh để tìm ra những bất cập trong các chính sách chưa được hỗ trợ đầy đủ cho người nghèo.

Chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 theo hướng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được xem là hướng đi mới khá toàn diện nhằm xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. Với hướng đi này và sự vào cuộc tích cực từ trung ương đến địa phương, hy vọng công tác xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt giúp giảm nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.