(HNM) - Sự leo thang của xung đột cũng như những diễn biến ngoại giao đầy bất lợi đối với quốc gia Trung Đông này làm xuất hiện dự đoán rằng,
Theo đó, ngày 14-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã ký lệnh triển khai 400 binh sĩ và hai khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Syria. Như vậy, tại quốc gia láng giềng với Syria sẽ có tổng cộng 6 khẩu đội tên lửa Patriot được triển khai (2 của Mỹ, 2 của Đức và 2 của Hà Lan) và đặt dưới sự chỉ huy của NATO. Theo kế hoạch, 6 khẩu đội này sẽ sẵn sàng khai hỏa trước cuối tháng 1-2013. Mặc dù NATO khẳng định tên lửa Patriot hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm mục đích phòng thủ, cụ thể là để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào với Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không hỗ trợ vùng cấm bay hay thực hiện bất kỳ hoạt động tấn công nào, nhưng với việc Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định ngày 13-12 rằng, chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad sắp sụp đổ, thì sự lên tiếng "tên lửa" này là một thông điệp mạnh mẽ. Bởi trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho rằng, quân nổi dậy ở Syria đã đạt được bước tiến quan trọng khi ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Khẳng định từ phía Nga là hoàn toàn có cơ sở khi tại hội nghị "Những người bạn của Syria", ngày 12-12, ở thành phố Marrakesh (Morocco), phe đối lập ở Syria đã nhận được nhiều ưu ái từ bên ngoài. Ngoại trưởng Saudi Arabia Saud al-Faisal công bố sẽ cấp 100 triệu USD "dành cho nhu cầu nhân đạo của nhân dân Syria" và nhấn mạnh chế độ của ông Bashar Al-Assad "đã hoàn toàn mất tính hợp pháp" và cộng đồng quốc tế không còn bất kỳ lý do gì cản trở công nhận "Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria", còn gọi là Liên minh Dân tộc Syria (SNC). Trong khi đó, một số nước phương Tây và Arab tiếp tục quan điểm loại bỏ Tổng thống Bashar Al-Assad trong khi nhiều nước đã công nhận liên minh đối lập "là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria" và kêu gọi Tổng thống Bashar Al-Assad "đứng sang một bên". Còn với Mỹ, việc Washington vừa đưa tổ chức Mặt trận Al Nusra của các chiến binh Hồi giáo Syria vào danh sách khủng bố đang được giới phân tích quan tâm với lập luận rằng rất có thể hành động này là bước đi trước của sự can thiệp quân sự vào Syria hoặc là cái cớ để không kích quốc gia này...
Trong khi đó, tại Syria, bạo lực không hề giảm. Ngày 13-12, tại phía tây nam thủ đô Damascus đã xảy ra 2 vụ đánh bom bằng xe hơi làm ít nhất 24 dân thường thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em. Đây là vụ đánh bom gây thương vong lớn trong thời gian qua. Nhiều nguồn tin phương Tây loan báo, chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad đã sử dụng tên lửa Scud trong những ngày gần đây khi xung đột giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ gia tăng. Và nhiều khả năng, Damascus sẽ phải sử dụng vũ khí hóa học để chống lại lực lượng nổi dậy đang ngày càng thắng thế. Mặc dù, phát ngôn của Chính phủ Syria đã bác bỏ hoàn toàn đồn đoán này, nhưng rõ ràng đây được xem là những dấu hiệu nguy hiểm, tác động mạnh đến đời sống của người dân. Liên hợp quốc dự báo nguy cơ nạn đói tại Syria đang lan rộng, có thể khiến khoảng 1 triệu người thiếu ăn trong mùa đông. Bạo lực leo thang khiến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo không thể tiếp cận được với nhiều khu dân cư.
Syria hiện nay đang rất cần một giải pháp tổng thể và quyết đoán. Cuộc khủng hoảng chỉ có thể chấm dứt qua thương lượng giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria và không thể được giải quyết bằng sức mạnh quân sự từ bên thứ ba. Tuy nhiên, sự thể đang không diễn ra như vậy khi phe đối lập ở Syria tiếp tục được cổ xúy, tăng cường sức mạnh từ bên ngoài. Ngày 14-12, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sự kiện NATO triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây bất lợi cho việc tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria; đồng thời có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng. Vào thời điểm này, Mátxcơva đang chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Syria khi bạo lực diễn biến phức tạp. Tất cả những dấu hiệu đó đã và đang khiến dư luận lo ngại về một cuộc đổ vỡ lớn mang tên Syria sẽ tác động mạnh đến khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.