Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước hòa nhập quan trọng

Vân Khanh| 29/10/2012 06:31

(HNM) - Niềm vui như được nhân đôi với CHDCND Lào. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) lần thứ 9 sẽ diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn đầu tháng 11 tới, đất nước Triệu voi đã chính thức được công nhận là thành viên mới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).


So với nhiều quốc gia khác, chặng đường 15 năm đàm phán để gia nhập tổ chức kinh tế đa phương lớn nhất thế giới của Lào chưa phải là một kỷ lục. Ngược lại, các cuộc đối thoại song phương với những thành viên của WTO đã đem lại cho đất nước Triệu voi những kinh nghiệm quý trong tiến trình phát triển đất nước. Những đổi mới về chính sách trong tất cả các lĩnh vực đầu tư, thương mại, thủ tục xuất nhập khẩu, quyền sở hữu tài sản đến hệ thống luật pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO… đã tạo hành trang cần thiết để đất nước Lào anh em tiến những bước vững chắc trên con đường cải cách.


Nền kinh tế Lào sẽ có thêm cơ hội phát triển khi gia nhập WTO.

Từ một nền kinh tế tương đối khép kín và mờ nhạt tại khu vực, tăng trưởng của đất nước Triệu voi trong 10 năm qua luôn được duy trì ở mức ổn định trên 7%. Với việc phát huy tối đa những ưu thế như thủy điện và khai khoáng, bất chấp những suy thoái của kinh tế toàn cầu và khu vực, số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khẳng định Lào vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu lục với GDP đạt 7,9% trong năm nay. Thay vì một nền kinh tế có xu hướng tự cung tự cấp trong một thời gian dài, Lào đã từng bước khắc phục được những yếu điểm và dần dần chinh phục được sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Hiện nay, Lào đã trở thành một điểm đến mới của nhiều dòng vốn ngoại với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 25 triệu USD năm 2002 lên gần 3 tỷ USD năm 2011.

Vì vậy, việc WTO trao quy chế thành viên cho Lào có thể được xem như một sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực, thành quả và hướng đi đúng mà xứ Hoa Champa đã đạt được. Đó cũng là sự khích lệ để chính phủ Lào tiếp tục có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm bắt kịp với xu hướng hội nhập đang diễn ra trên khắp thế giới. Dù đã được hưởng một số đặc quyền thương mại từ hầu hết các thị trường phương Tây, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN, nhưng việc tham gia đầy đủ vào sân chơi toàn cầu là cơ hội vàng cho Lào có những bước phát triển nhanh hơn. Thông qua việc sở hữu chiếc ghế thành viên của tổ chức thương mại thế giới, đất nước Triệu voi sẽ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế quan từ tất cả các đối tác bè bạn khác trong WTO. Khả năng tiếp cận thị trường hàng hóa phong phú của thế giới và tuân thủ mức trần thuế 18,8% đối với mọi sản phẩm như đã cam kết sẽ bảo đảm cho người dân Lào được hưởng những thành quả của công cuộc phát triển. Bên cạnh những lợi ích có thể nhìn thấy trước mắt, quyết định tiếp nhận Lào của WTO còn trao cho một trong những nền kinh tế yếu nhất Đông Nam Á những động lực về cải cách chính sách, thể chế, khả năng tiếp cận đối với các thị trường dịch vụ… những yếu tố cốt lõi nhằm bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các quốc gia khác, việc gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới cũng có những thử thách khắc nghiệt. Trên thực tế, dẫu rằng đã có những thành công ấn tượng thời gian qua, nhưng Lào vẫn là một nước kém phát triển với 28% trong số 6 triệu dân thuộc diện đói nghèo. Trình độ dân trí chưa cao và cơ sở hạ tầng còn hạn chế đang là những tồn tại cần phải vượt của xứ Hoa Champa. Do vậy, việc chấp nhận những luật chơi bình đẳng như với những thành viên khác của WTO trong khi quy mô và tiềm lực kinh tế yếu hơn chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế của Lào phải chấp nhận những thách thức không nhỏ. Mặc dù vậy, sau thời khắc lịch sử tại trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ), đất nước Triệu voi đã bước vào một giai đoạn phát triển hoàn toàn khác biệt với những vận hội mới. Bước hòa nhập quan trọng của Lào cũng được hy vọng sẽ góp phần mang tới mảng màu sáng hơn nữa cho bức tranh kinh tế Đông Nam Á trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước hòa nhập quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.