(HNM) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP (ngày 21-2-2023) quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Theo đó, từ ngày 1-8-2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả thẩm định. Quy định mới này được xem là bước đột phá về tuyển dụng công chức.
Kết quả kiểm định có giá trị 2 năm
Theo Nghị định số 06/2023/ NĐ-CP, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
Kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc, có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng và không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh.
Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trước ngày 31-1 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Việc kiểm định được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên thời gian 120 phút, 100 câu hỏi. Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng là 100 phút, 80 câu hỏi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Bộ Nội vụ đã có quá trình nghiên cứu hơn 5 năm về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, tính toán rất kỹ, có đề án, tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. Mục tiêu hướng tới là công chức đầu vào nền công vụ của Nhà nước Việt Nam có đường đồng mức giống nhau, tức là một cá nhân phải đạt trình độ kiến thức nhất định mới có thể tham gia vào nền công vụ.
Đơn giản hóa quy trình thi tuyển công chức
Có thể thấy, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là bước đột phá trong cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Nhiều năm qua, việc thi tuyển công chức được tổ chức qua 2 vòng thi (vòng 1 thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành). Sắp tới, khi triển khai thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ cần tổ chức thi nghiệp vụ chuyên ngành đối với ứng viên đã có chứng chỉ kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Tùy thuộc vị trí việc làm, cơ quan tuyển dụng đặt ra những nội dung tập trung vào chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ… để tìm được người phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Cách làm đột phá như vậy sẽ giảm nhiều trình tự, thủ tục, thời gian, công sức cho Hội đồng thi tuyển của các bộ, ngành, địa phương, và điều quan trọng là đạt được mục tiêu tuyển được đúng người, đúng việc, đúng vị trí việc làm mà vẫn bảo đảm được có mặt bằng thống nhất, đồng bộ về chuẩn đầu vào công chức. Đây chính là sự công bằng. Còn khi “bước chân” vào nền công vụ thì từng vị trí việc làm lại có yêu cầu riêng.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh Bộ Nội vụ đã tham mưu sáng kiến cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức kịp thời, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Khi áp dụng kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đối với Hà Nội, ngoài tính ưu việt là giảm các chi phí và thời gian (do không phải tổ chức thi vòng 1), thì còn đặc biệt ở chỗ, kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc, giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, nên sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội được dùng nguồn tài nguyên nhân lực sẵn có của cả nước để tuyển dụng công chức, chọn nhân tài”.
Hiện, Bộ Nội vụ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn quy chế, nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, sau đó sẽ phổ biến để triển khai thống nhất tại các bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ sẽ căn theo chu kỳ thời điểm sinh viên tốt nghiệp hằng năm để họ có cơ hội tham gia vào kỳ thi sát hạch kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
“Chúng ta phải tính toán cho phù hợp, nếu tiến hành thường xuyên, khoa học, hợp lý thì sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các bộ, ngành, địa phương vì các cơ quan, đơn vị cũng phải tuyển dụng liên tục và có kế hoạch”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.