Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá về cải cách hành chính

Tiến Thành| 16/02/2023 06:04

(HNM) - Với việc chính thức đưa vào khai thác các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung, UBND thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương của Thành ủy Hà Nội về công tác chuyển đổi số. Đây là bước đột phá về cải cách hành chính của Hà Nội, đồng thời một lần nữa khẳng định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của nền hành chính Thủ đô.

Hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Ảnh: Nguyễn Quang

Công cụ hỗ trợ đắc lực

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành 3 hệ thống thông tin quan trọng, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố. Đây là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại; gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, chuyển đổi số; đồng thời góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung thành phố, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả. Các hệ thống cũng sẽ bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trong nội bộ thành phố cũng như kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, trung ương; khắc phục tình trạng mỗi cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng một hệ thống riêng, thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; gây lãng phí thời gian, chi phí đầu tư và vận hành hệ thống.

Đối với ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố, trong thời gian thí điểm, Văn phòng UBND thành phố đã gửi 409 giấy mời họp thông qua ứng dụng, giúp tiết kiệm được 150 triệu đồng/tháng so với việc gửi tin nhắn theo phương thức truyền thống; tổ chức cập nhật hơn 812 tài liệu, văn bản điện tử thay cho việc in ấn, sao chụp tài liệu giấy, giúp tiết kiệm trên 300 triệu đồng/tháng...

Công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Bảo Yến nhận định, việc thực hiện hệ thống thông tin báo cáo thành phố sẽ bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành nhanh chóng ở các cấp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Hệ thống sẽ góp phần mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính tại cơ sở.

Là một trong những địa phương triển khai tích cực thí điểm các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, 100% văn bản đến và đi của UBND quận được số hóa, ký số và ban hành qua mạng. 100% các phòng, ban, UBND phường trên địa bàn quận được cấp và ứng dụng chữ ký số phục vụ tạo lập văn bản điện tử. Sau hơn một tháng thực hiện thí điểm hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố, UBND quận đã xử lý 1.550 văn bản đến, ban hành 650 văn bản đi, cũng như thực hiện hoàn toàn công tác chỉ đạo, điều hành trên hệ thống.

Cán bộ Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận góp ý của người dân về thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo. Ảnh: Mai Hữu

Chủ động tiếp cận người dân

Nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo từ ngày 10-2.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, Văn phòng UBND thành phố đã phối hợp với nhà cung cấp ứng dụng Zalo đưa kênh tiếp nhận tới hơn 7 triệu tài khoản Zalo của người dân Thủ đô để biết và khai thác sử dụng.

“Qua 3 ngày vận hành, chúng tôi đã tiếp nhận hàng trăm lượt góp ý của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Văn phòng UBND thành phố sẽ tổng hợp, gửi các địa phương, đơn vị giải quyết, báo cáo lãnh đạo UBND thành phố nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành”, ông Cù Ngọc Trang nói.

Thực hiện góp ý về thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo, chị Nguyễn Thị Bích Huệ (quận Ba Đình) đánh giá, đây là bước tiến lớn trong cải cách hành chính. Các góp ý, phản ánh, kiến nghị được thực hiện nhanh, gọn, tiện lợi, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet là có thể thực hiện dễ dàng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm tự động hóa tối đa quy trình xử lý công việc, tổng hợp báo cáo; tích hợp trí tuệ nhân tạo; bóc tách dữ liệu... giúp các hệ thống trở nên thông minh hơn và nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Đồng thời, thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc, đánh giá tình hình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

“Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xem đây là một trong các tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để các hệ thống thông tin dùng chung hoạt động hiệu quả, đáp ứng đúng kỳ vọng, rất cần có sự phối hợp, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương trong việc kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ Hà Nội trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống của thành phố.

Việc ứng dụng, đẩy mạnh phát triển các hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của Hà Nội đang dần thay đổi thói quen và lề lối làm việc trong hệ thống hành chính, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại thông qua sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin, viễn thông.

Đây là bước đi quan trọng thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa những chủ trương lớn thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số, xã hội số để Thủ đô xứng đáng với vai trò và vị thế của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá về cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.