Dự kiến vào 9 giờ 6 phút 31 giây ngày 4/5, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, VNREDSAT-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo, khởi đầu cho hệ thống quan sát Trái đất của Việt Nam với khả năng cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao gần như ngay sau khi chụp, giúp giám sát tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án Vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Mô hình vệ tinh Vnredsat-1 |
- Việc vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào ngày 4/5 có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên: VNREDSAT-1 là một vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày.
Với kích thước 600mm x 570mm x 500mm, nặng khoảng 120kg và tuổi thọ thiết kế là 5 năm, VNREDSAT-1 có nhiệm vụ cung cấp ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học có nhu cầu sử dụng nhằm tăng khả năng giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội...
Đối với những thiên tai như bão, lũ lụt, động đất…, vệ tinh viễn thám là một trong những công cụ hữu hiệu cung cấp thông tin cho người dân, Chính phủ các hình ảnh chân thực về thiên tai nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
- Xin ông cho biết, Việt Nam đã và đang làm những gì để tiến tới làm chủ và tự chế tạo vệ tinh?
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên: Theo Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 của Chính phủ, một trong những mục tiêu được đề ra là Việt Nam làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ. Dự án có thể được coi là bước đi đầu tiên đến quá trình làm chủ vệ tinh này.
Khi triển khai dự án, các chuyên gia của Việt Nam cũng tham gia đóng góp một phần công sức với các công việc như nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của dự án, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ của dự án để thực hiện, đáp ứng những nhu cầu cần thiết, cấp bách trong nước; tiếp đến là những nhiệm vụ, nắm bắt công nghệ vận hành, điều khiển vệ tinh, xử lý ảnh- sản phẩm một cách hiệu quả.
Trong quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài, các kỹ sư, chuyên gia trẻ của Việt Nam cũng đã có cơ hội tiếp cận quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh với công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới, góp phần đào tạo được một đội ngũ kỹ sư trẻ, là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ trong tương lai. Do đó, có thể khẳng định rằng, hiện nay không chỉ cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam mà cả đơn vị phối hợp là Trung tâm Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đều có khả năng đảm đương việc điều hành, điều khiển và thu nhận cũng như khai thác sử dụng ảnh vệ tinh cho nhu cầu cần thiết của Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam?
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên: Trong khuôn khổ các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang ở nhóm các nước trên trung bình, gồm 5 nước (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam). Đối với phạm vi thế giới, hiện chỉ có 25 nước sở hữu vệ tinh quan sát trái đất riêng. Có nhiều quốc gia tuy có đủ tiềm năng nhưng lại không có nhu cầu. Điển hình như Bỉ, một quốc gia có trình độ khoa học công nghệ phát triển khá cao tại châu Âu, nhưng đất nước họ có diện tích nhỏ, địa hình không phức tạp, nên họ không có nhu cầu phát triển vệ tinh quan sát trái đất. Những đất nước có địa hình phức tạp, nhiều vùng hiểm trở khó tiếp cận với những thông tin và hình ảnh trên trái đất nên họ mới có nhu cầu phát triển vệ tinh quan sát này.
Các nước có nhu cầu quan sát trái đất đều xây dựng một hệ thống nhiều vệ tinh quan sát Trái đất, trong đó có nhiều chủng loại, nhiều chức năng khác nhau nhằm chụp được hình ảnh ở những góc độ khác nhau như chụp ảnh rada, siêu phổ, đa phổ... Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nga hiện có tới hàng trăm vệ tinh viễn thám. Bởi vậy, việc Việt Nam có thêm nhiều vệ tinh quan sát trái đất là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.