(HNM) - Thực tiễn đời sống kinh tế, những hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thời gian qua đã minh chứng cho sức sống, định hướng và hiệu quả của những quyết sách mang tầm vĩ mô...
Thực tiễn đời sống kinh tế, những hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thời gian qua đã minh chứng cho sức sống, định hướng và hiệu quả của những quyết sách mang tầm vĩ mô cũng như dấu ấn trí tuệ của lãnh đạo thành phố, các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp (DN)…
Qua 5 năm phấn đấu bền bỉ, liên tục trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của mình, đến nay Hà Nội đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, GDP trên địa bàn tăng trưởng khá, đạt khoảng 9,23%/năm, tức bằng 1,58 lần mức tăng bình quân của cả nước. Theo các chuyên gia, tuy đây chưa phải là mức tăng cao, nhưng đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn và đời sống kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Thu nhập bình quân đạt 3.600 USD/người, gấp 1,8 lần so với năm 2010.
Thực tế cũng cho thấy, nhờ duy trì mức tăng trưởng khá nên tình hình KT-XH, an toàn và an sinh xã hội của Hà Nội được giữ vững, không có biến động, góp phần nâng cao vị thế cũng như hấp dẫn các nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đạt kế hoạch đề ra là tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Trong bước chuyển vượt bậc của nền kinh tế Thủ đô nói chung, các ngành dịch vụ hướng tới mục tiêu đạt giá trị gia tăng, chất lượng và trình độ cao và tăng khoảng 9,97%/năm. Trong đó, ngành ngân hàng duy trì tốt việc bảo đảm nguồn vốn cho DN, với dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng, chiếm 27% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Thành phố luôn chỉ đạo ngân hàng thực hiện các chính sách tiền tệ, tài chính của Chính phủ, chủ động áp dụng lãi suất hợp lý, chia sẻ khó khăn cùng DN, hỗ trợ DN trong tiếp cận nguồn vốn và vay vốn.
Hà Nội cũng giữ vững vai trò, vị trí đầu mối giao thương với thị trường phía Bắc, trong đó hệ thống hạ tầng thương mại không ngừng được xây mới, hiện đại hóa. Hiện tại, Hà Nội dẫn đầu cả nước về hoạt động thương mại điện tử, với doanh thu bán lẻ trực tuyến ngày càng gia tăng; tạo ra điều kiện thuận lợi cho DN cũng như người tiêu dùng - là lực lượng cung - cầu để cộng hưởng sức mạnh, góp phần hình thành nền văn minh thương mại trên địa bàn. Tính chung, Hà Nội đang sở hữu 27 trung tâm thương mại, 141 siêu thị cùng nhiều chợ dân sinh. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng phát triển đều đặn, với tốc độ tăng trưởng đạt 11%/năm, số lượt khách tăng trung bình 10,6%/năm. Hà Nội được đánh giá là điểm đến hấp dẫn thứ 5 trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á năm 2013.
Thành phố xác định rõ tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như thúc đẩy hoạt động này phát triển, chủ động gắn kết giữa nghiên cứu và triển khai thực tế. Hằng năm, thành phố đều tổng kết, chủ động hỗ trợ các DN trong việc đăng ký mẫu mã sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đăng ký nhãn mác sản phẩm… Đã có hơn 400 đề tài, dự án được triển khai nghiên cứu, với tỷ lệ ứng dụng vào thực tiễn đạt 70%. Đến nay có 408 tổ chức khoa học, công nghệ đang hoạt động và hứa hẹn sẽ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ hoạt động sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của DN trên địa bàn.
Hà Nội hiện có 57 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, với doanh số bán hàng chiếm đến 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong đó, có những sản phẩm của một số đơn vị đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng và đóng góp lớn cho xuất khẩu, như Cơ điện Trần Phú, Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Dệt 10/10…
Các chuyên gia đánh giá cao kết quả huy động nguồn lực cho phát triển của Hà Nội, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 1.400 tỷ đồng giai đoạn 2011-2015, tăng 15,7%/năm (gần gấp 2 lần so với giai đoạn 2006-2010). Đặc biệt, tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm dần trong khi vốn từ khu vực tư nhân tăng lên chứng tỏ hiệu quả của chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư. Cùng thời gian trên, Hà Nội thu hút hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD; riêng vốn thực hiện đạt 71%. Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước về kết quả thu ngân sách, được Chính phủ ghi nhận là luôn "đạt và vượt dự toán Chính phủ giao".
Những kết quả đáng ghi nhận nói trên là sự thể hiện rõ ràng về việc đưa nội dung các nghị quyết vào cuộc sống. Đó là một quá trình, với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ từ cấp hoạch định chính sách, điều hành đến từng đơn vị cụ thể trên cơ sở huy động, phát huy những thế mạnh, nguồn lực vật chất và tinh thần, kết hợp sức mạnh thời đại và bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo và người dân Thủ đô…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.