(HNM) - Hôm nay (23-3), Giải Việt dã toàn quốc và Marathon 2014 - Giải Báo Tiền phong lần thứ 55 sẽ diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Không phải ngẫu nhiên mà Trưởng BTC giải, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong Vũ Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến sự thay đổi về tên giải so với trước đây, bởi đây là lần đầu tiên BTC đưa nội dung marathon vào chương trình thi đấu, bên cạnh các nội dung truyền thống như 10km nam tuyển, 5km nữ tuyển, 7km nam trẻ, 3km nữ trẻ… Với đường chạy dài hơn 42km, quyết định tổ chức nội dung marathon tạo bước chuyển đáng nhớ trong hành trình 55 năm của giải đấu giàu truyền thống này.
Các VĐV làm quen với đường chạy. |
Với 55 kỳ giải đã được tổ chức, Giải Việt dã toàn quốc mang tên Báo Tiền phong là một trong các giải đấu đỉnh cao có tuổi đời lâu nhất trong làng thể thao Việt Nam. Ra đời vào năm 1958 với đường chạy trong Công viên Bách Thảo (Hà Nội), Giải Việt dã Báo Tiền phong có sự góp mặt của 72 VĐV, trong đó có cả "anh hùng Thế vận" nổi tiếng ngày đó là VĐV Email Zatopek (5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới - từ năm 1949 tới năm 1953). Đây chính là VĐV nước ngoài đầu tiên dự Giải Việt dã Báo Tiền phong. Trong suốt lịch sử của giải, chỉ có năm 1980 là lần đầu tiên, và cũng là duy nhất mà giải không được tổ chức vì những lý do khách quan.
Qua 54 lần tổ chức, đã có nhiều VĐV trưởng thành từ giải đấu này, tiến ra đấu trường khu vực, châu lục và mang vinh quang về cho Tổ quốc như Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng, Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông, Phạm Thị Bình…
Là một sân chơi đỉnh cao giàu truyền thống dành cho các VĐV cự ly trung bình và dài của làng điền kinh Việt Nam, thế nhưng, sau 54 kỳ giải, đây mới là lần đầu tiên BTC đưa nội dung marathon vào chương trình thi đấu, nói "bước chuyển đáng nhớ" là vì vậy.
Vì sao mà mãi đến giờ BTC mới tổ chức nội dung marathon? Phó TTK Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Tổ chức thi marathon đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Với đường chạy dài hơn 42km, BTC sẽ phải lo rất nhiều việc để bảo đảm an ninh, an toàn trên đường chạy, từ việc cấm đường đến tổ chức lực lượng y tế, bố trí trọng tài… Và, trước hết là phải có lực lượng VĐV tham dự bảo đảm yêu cầu về chuyên môn.
BTC chọn kỳ giải 2014 để thử nghiệm việc tổ chức nội dung marathon vì hai lẽ. Thứ nhất, marathon là nội dung phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế hiện nay, thu hút rất nhiều VĐV nghiệp dư và VĐV người nước ngoài tham dự. Rất nhiều nhà tài trợ cũng quan tâm đến nội dung này, nên việc tổ chức thêm nội dung marathon mang ý nghĩa nâng tầm giải đấu. Thứ hai, vài năm gần đây, điền kinh Việt Nam đã có lực lượng VĐV chạy marathon rất giỏi, nổi bật là việc "nữ hoàng chân đất" Phạm Thị Bình vừa giành HCV nội dung này tại SEA Games 27-2013. Phải tạo cơ hội cọ xát đỉnh cao cho các VĐV đội tuyển quốc gia, để họ tích lũy kinh nghiệm, rèn tâm lý, thể lực cho các giải đấu quốc tế lớn. Trong bối cảnh ấy, tổ chức thêm nội dung marathon ở kỳ giải này là rất cần thiết.
Để bảo đảm công tác tổ chức và chuyên môn, thay vì bố trí đường chạy trải dài, lên đèo xuống dốc, BTC đã lựa chọn "giải pháp an toàn", đó là bố trí đường chạy vòng quanh hồ Xuân Hương (mỗi vòng hồ khoảng 5.000m). Mới chỉ có 8 VĐV nam, 5 VĐV nữ đăng ký trong danh sách chính thức nhưng số VĐV đăng ký sẽ tăng lên bởi BTC đã điều chỉnh điều kiện đăng ký để tăng sự cạnh tranh. Cụ thể, riêng nội dung marathon, mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 16 đến 45 tuổi, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và sức khỏe theo điều lệ giải đều được đăng ký tham gia. Hạn đăng ký được mở rộng đến tận ngày thi đấu. BTC sẽ trao thưởng cho 5 VĐV nam, 5 VĐV nữ dẫn đầu nội dung marathon.
Mới là thử nghiệm, nhưng rất có thể nội dung chạy marathon sẽ gắn bó lâu dài với Giải Việt dã Báo Tiền phong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.