Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bùi Quang Dũng - Danh thần hai triều Đinh – Lý

Đặng Hùng| 08/08/2010 08:12

(HNM) - Bùi Quang Dũng, khai quốc công thần, được Đinh Tiên Hoàng phong Trấn Đông Tiết độ sứ. Nhà Đinh mất, nhà Tiền Lê thay thế, ông lui về ẩn dật. Lý Công Uẩn lên ngôi, vời ông ra, tôn xưng là


Tuy nhiên, danh thần trải ba triều Đinh, Tiền Lê, Lý lại gần như không có tên trong chính sử...

Ẩn dật chờ thời

Dòng họ Bùi Quang ở ấp Hàm Châu xưa, nay là làng Đồng Thanh (xã Tân Bình, TP Thái Bình) còn lưu giữ gia phả cổ viết bằng chữ Hán, có đóng ấn của tuần phủ Thái Bình Phạm Văn Thụ năm 1919. Theo đó, Bùi Quang Dũng (921- 1018), sinh ra ở đất Phong Châu (Phú Thọ). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, lớn lên nức tiếng gần xa về tài văn, võ. Sau khi Ngô Quyền mất, đất nước lâm cảnh loạn 12 sứ quân. Năm Bính Dần (966), Bùi Quang Dũng đã ngoài 40 tuổi. Biết tiếng ông, Ngô Xương Xí (chiếm giữ vùng Bình Kiều, Triệu Sơn, Thanh Hóa) và Kiều Công Hãn, sứ quân giữ đất Phong Châu đều cho người đến mời. Bùi Quang Dũng từ chối, viện cớ: "Tôi con nhà làm ruộng, chỉ quen cày cấy, gặt hái, sớm tối vui với ruộng vườn mà thôi, còn việc đời thực không biết gì...". Sau đó, Đỗ Cảnh Thạc, sứ quân chiếm giữ Đỗ Động, Bảo Đà, Hà Đông cho tâm phúc là Nguyễn Văn Thao đến nhà Bùi Quang Dũng xin trọ học để thăm dò. Phả Bùi Gia chép: "Ông Thao ở với gia đình cụ gần một tháng. Cụ thường đem chuyện cày cấy, buôn bán ra nói. Hễ ông Thao đả động đến chuyện loạn lạc, cụ chỉ ngồi lặng yên nghe, khi bàn đến chuyện can qua trận mạc, cụ tỏ ra sợ hãi". Cho rằng Bùi Quang Dũng không có tài cán gì, Nguyễn Văn Thao về nói với Đỗ Cảnh Thạc: "Người ta đều khen hắn là tài trí, nhưng tôi xem ra chỉ là hư danh mà thôi".

Bùi Quang Dũng có tâm nguyện riêng. Theo ông, "thờ vua phải biết chọn người. Những người ấy (chỉ Ngô Xương Xí, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn) thì làm được gì. Bây giờ chưa phải thời, chưa đến lúc chọn được minh chủ".

Năm Đinh Mão (967), hay tin Đinh Bộ Lĩnh, sứ quân tài trí hơn người, được sứ quân Trần Lãm ở Kỳ Bố (Thái Bình ngày nay) nhận làm con nuôi và cho giữ binh quyền, Bùi Quang Dũng tìm về. Các sứ quân lần lượt bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt, giang sơn quy về một mối. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, ban thưởng tướng sĩ, phong ông là Anh Dực tướng quân, sung Điện tiền Đô chỉ huy sứ kiêm Thiêm sự. Năm 971, ở vùng Kỳ Bố, Ngô Văn Kháng nổi loạn, triều đình cử quân đánh dẹp nhưng thất bại. Vua cử Bùi Quang Dũng cầm quân. Bằng uy đức của mình, ông đã dụ hàng Ngô Văn Kháng. Vua Đinh phong ông là Trấn Đông Tiết độ sứ, Tổng thống kiêm lý ba đạo, được đóng quân ở thành Kỳ Bố; sau lại thăng Đặc khai quốc Thiên sách Thượng tướng, tước An Tĩnh hầu và truy tặng thân phụ ông là Khải Tá hầu.

Khai khẩn đất hoang

Bùi Quang Dũng khai khẩn đất hoang ở ven sông Lãng Bạc và sông Cái (sông Trà Lý ngày nay), biến vùng đất hoang vu thành làng xóm đông vui, đồng ruộng tươi tốt. Đất ông được vua ban gọi là ấp Hàm Châu. Ngoài Hàm Châu, ông lập ra 8 trại khác (nay thuộc địa bàn huyện Vũ Thư và TP Thái Bình). Cảm tạ công lao của ông, dân các làng đều đặt tên làng mình là Bùi Xá.

Khi Đinh Bộ Lĩnh bị hành thích, Lê Hoàn được tôn lên làm vua. Giặc Tống nhân Đại Việt có biến, đem quân xâm lược. Sau chiến thắng chống Tống (981), Bùi Quang Dũng lui về ở ẩn trong động Trinh Thạch, khi đó đã 60 tuổi. Năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý. Thái Tổ ba lần cho người vời nhưng ông đều thoái thác, lấy cớ tuổi già. Năm Thuận Thiên thứ 2 (triều Lý Thái Tổ), vùng Kỳ Bố Hải Khẩu có giặc. Triều đình ba lần đánh dẹp nhưng đều bị bại. Tướng Nguyễn Uy dò biết lòng dân đều nhớ thâm ân của Bùi Quang Dũng bèn tấu về triều. Lý Thái Tổ lại viết thư, sai Nguyễn Uy đem đến động Trinh Thạch mời ông về triều và nói rõ sự tình ở Kỳ Bố. Lúc này, Bùi Quang Dũng mới chịu xuất thế. Về kinh, ông được vua hậu đãi, ban hiệu là "Minh Triết Phu Tử", đối xử như thầy. Vua lại phong chức cũ thời Đinh của ông cho con trai ông là Bùi Quang Anh. Hai cha con Bùi Quang Dũng được phái về Kỳ Bố dẹp loạn. Khi ông tới nơi, giặc kéo nhau ra hàng.

Bùi Quang Dũng mất năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), thọ 97 tuổi. Lý Thái Tổ sai Bộ Lễ làm lễ cử ai và truy phong là Trịnh Quốc Công. Tháng 8 năm ấy, vua ngự đề văn bia Sự trạng ông; ngày 12-8, giao Thái sư Khuông Việt chép bản ngự chế lên bia đá. Thợ khắc đá Phạm Công Thắng vâng mệnh vua khắc bia. Sau đó, vua Lý cho người đem về từ đường ông ở ấp Hàm Châu để thờ.

Năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), nhân đi tuần phòng phía đông, vua đến vùng Kỳ Bố và về ấp Hàm Châu viếng mộ ông. Tại từ đường thờ Bùi Quang Dũng, Thái Tổ ngự đề đôi câu đối:

"Không thờ hai vua, tiếng trung liệt cao vời vợi, động Trinh Thạch 30 năm lừng tiếng.
Hết sức giúp nền thống nhất, chí khí ngay thẳng vang dội, ấp Hàm Châu vạn cổ vẫn còn".

Sau khi về kinh, Lý Thái Tổ còn xuống chỉ cho họ Bùi ở Hàm Châu ba ngôi cấm địa (nơi chôn cất Bùi Quang Dũng và song thân). Thời Trần Thái Tông, Lê Thái Tông, cũng có chỉ cho họ Bùi ba ngôi cấm địa nguyên như trước. Lê Thái Tông còn ban chữ: "Bùi thị hưng gia Thái tổ".

Không có tên trong chính sử

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ít có công thần nào lại được vua ban quan tài đồng, thân viết ngự chế bia rồi cho khắc để ghi công trạng như Bùi Quang Dũng. Đáng tiếc, các tài liệu về ông còn rất ít. May mắn thay, bài ngự chế bia ký... cùng đôi câu đối của Lý Thái Tổ hiện vẫn được lưu giữ ở trong phả ký và nơi thờ Bùi Quang Dũng ở Hàm Châu. Đặc biệt, bài ngự chế bia ký lại là tác phẩm rất hiếm để lại cho hậu thế, thể hiện tài năng, đức độ của Lý Thái Tổ: "Trẫm cho rằng công cuộc mở nền dựng nước dù là chủ trương của bậc nhân quân, song việc dẹp loạn binh nhưng phần lớn trông cậy vào các tướng soái tài ba. Từ xưa đến nay đều như thế. Đó là lý và cũng là thế vậy..."; "Tìm được bậc trung thần mà người đó lại biết bảo toàn sinh mệnh mình lại càng khó hơn nhiều. Tỷ như chuyện vị quan Đặc tiến Khai quốc Thiên sách Thượng tướng, Minh Triết phu tử, Trịnh Quốc công Bùi Quang Dũng, triều Đinh thuở trước" (TS Mai Hồng, Viện Hán Nôm dịch).

Sau, Lý Nhân Tông cũng có những câu đối ngự đề ở từ đường Bùi Quang Dũng để ghi nhận công lao của ông với nước. Do chiến tranh loạn lạc, tấm bia đá nay không còn. Hiện ở từ đường chỉ còn lại tấm bia mới phục dựng, đôi câu đối của vua Lý ban và ba bài chiếu của các vua Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tông (đều được phục dựng cuối thời Lê). Đáng chú ý, bài ngự chế bia ký trước đây được chép vào gia phả họ Bùi từ thời vua Lê Hy Tông đến nay vẫn còn. Năm 1919, Tuần phủ Thái Bình Phạm Văn Thụ sau khi xem đã đóng dấu vào đầu của cuốn phả.

Một điều rất lạ là ngoài cuốn "Thái Bình phong vật chí" của Phạm Văn Thụ, dường như các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục... không thấy có tên Bùi Quang Dũng và hậu duệ… Theo "Hàm Châu ấp Bùi thị gia phả", "Đời vua Kính Tôn nhà Lê, niên hiệu Hoằng Định, Trịnh Tùng giết vua, quan Điện tiền Đô điểm - kiểm là đại thần Bùi Văn Đức đem quân đánh (Trịnh Tùng)". Bùi Văn Đức là hậu duệ thứ 18 của Bùi Quang Dũng. Thấy Bình An Vương Trịnh Tùng thí nghịch, ông đã cùng con cháu (lúc đó họ Bùi có 16 người, làm quan triều Lê) dấy quân đánh. Vì thế cùng lực kiệt, mọi người tự tan, chạy đi các nơi lánh nạn. Họ Bùi ở đất Hàm Châu được báo trước đã giấu bia đá, san bằng mặt mộ cụ tổ để phòng quân Trịnh trả thù. Khi Trịnh Tùng về Hàm Châu, người họ Bùi đã tản hết, bèn đốt phá rồi bỏ đi.

Có lẽ chính vì lý do đó mà sau này, tên tuổi các vị công thần họ Bùi đã không có trong sử. Cả nước đang náo nức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để giúp bạn đọc hiểu thêm những công thần, danh thần từng giúp vua Đinh, vua Lý kiến tạo đế nghiệp, tác giả mạo muội cung cấp những thông tin này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bùi Quang Dũng - Danh thần hai triều Đinh – Lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.