Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bức xúc vì ô nhiễm

Kim Vũ| 09/08/2018 06:55

(HNM) - Điểm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) hiện có 18 công ty đang hoạt động ở các lĩnh vực sơn, cơ khí, sản xuất miến... nhưng lại không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn tới ô nhiễm môi trường.


Lo lắng vì ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân, hiện tượng xả nước thải ra hệ thống kênh mương của các cơ sở sản xuất tại Điểm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) diễn ra vài năm nay. Ngoài gây ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn, các cơ sở sản xuất còn thường xuyên xả nước thải ra kênh T2-7 (kênh tưới tiêu ruộng đồng của người dân xã Di Trạch) khiến dòng nước đen kịt và bốc mùi hôi thối.

"Do có nhiều công ty chuyên sản xuất sơn, dệt, nhuộm… xả thải ra kênh T2-7 khiến cá, tôm ở đây vì thế chết dần. Thậm chí, nhiều gia đình còn mất trắng hoa màu nếu trời mưa nước ở kênh T2-7 tràn vào ruộng làm thối gốc, rễ cây" - Một người dân xã Di Trạch bức xúc.

Nguồn nước ở kênh T2-7 đổi màu do nước thải từ các công ty đổ ra trực tiếp.


Năm 2017, Tổ công tác gồm đại diện UBND xã Di Trạch và huyện Hoài Đức tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính một số cơ sở không bảo đảm về môi trường. Tình trạng ô nhiễm tạm thời lắng xuống một thời gian, nhưng đến ngày 21-7-2018, sau một trận mưa lớn, nước từ 4 cửa cống ở Điểm công nghiệp Di Trạch xả ra kênh T2-7 có màu trắng đục.

Khi phát hiện hiện tượng này, người dân đã báo ngay cho chính quyền địa phương nắm bắt sự việc. Ngay sau đó, tổ công tác gồm đại diện UBND xã Di Trạch phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra đột xuất một số công ty sản xuất sơn... Thực tế này càng làm tăng thêm lo ngại của người dân.

Cần xử lý ngay

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch khẳng định hiện tượng nêu trên đang là vấn đề khó xử lý với chính quyền xã. Điểm công nghiệp Di Trạch hoạt động từ năm 2014 với quy mô 18 công ty. Tuy nhiên, khi sản xuất, các công ty này không có biện pháp xử lý nước thải mà xả thẳng ra kênh, mương. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần đề nghị giải quyết vấn nạn môi trường nơi đây.

Trước tình hình đó, tháng 8-2017, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện hàng chục đường ống xả thải từ điểm công nghiệp ra kênh T2-7 mà không có hệ thống xử lý. Đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính và yêu cầu các công ty phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ.

Ngày 21-7-2018, sau khi người dân phát hiện nguồn nước ở kênh T2-7 có màu trắng, tổ công tác của huyện đã kiểm tra đột xuất Công ty cổ phần Infor Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 3 hệ thống ống thoát nước của công ty này xả ra hệ thống cống chung, trong đó có 1 đường ống qua hệ thống lọc; 2 hệ thống chưa qua lọc... Tổ công tác đã lấy mẫu nước tại đường ống đã qua lọc của công ty để phân tích mức độ ô nhiễm nguồn nước.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Mạnh cho biết: "Đại diện công ty mặc dù nghe thông qua biên bản, nhưng không hợp tác và không ký vào biên bản. Ngoài Công ty Infor, Công ty Sơn Jymec và Sơn Facomax cũng xả thải khiến nước ở kênh T2-7 đổi màu...".

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức lý giải, khi thành lập, Điểm công nghiệp Di Trạch có thiết kế vị trí trạm xử lý nước thải, nhưng vị trí này thuộc quy hoạch Trục cảnh quan Hồ Tây - Ba Vì nên các công ty chỉ được thuê đất ngắn hạn với thời hạn mỗi năm ký 1 lần. Do vậy, các đơn vị có tâm lý chưa muốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì chi phí quá lớn.

Tháng 8-2017, sau khi người dân kiến nghị vì kênh T2-7 quá ô nhiễm, UBND huyện yêu cầu các công ty phải có hệ thống nước thải cục bộ để xử lý nước thải trước khi xả ra kênh mương. UBND huyện Hoài Đức cũng yêu cầu thành lập ban đại diện của điểm công nghiệp để quản lý, xử lý vướng mắc, phát sinh nhằm giải quyết bức xúc của người dân. Tình trạng ô nhiễm tạm thời lắng xuống. Cùng hình thức xử lý cục bộ, UBND huyện Hoài Đức cũng báo cáo Sở Công Thương, tổng hợp ý kiến kiến nghị thành phố có phương án xử lý dứt điểm vấn đề đã nêu ở trên.

Trong khi chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục ô nhiễm, thời gian vừa qua, các công ty vẫn lợi dụng trưa nắng, ban đêm, đỉnh điểm là lúc trời mưa to nước ngập... để xả thải nhằm che mắt lực lượng chức năng. Hiện nay, tổ công tác của huyện Hoài Đức đang chờ kết quả các chỉ số mẫu nước, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đưa ra hình thức xử lý đối với các công ty vi phạm quy định về môi trường. Về lâu dài, để chấm dứt tình trạng ô nhiễm do Điểm công nghiệp Di Trạch, theo ông Nguyễn Hoàng Trường, vẫn phải... chờ phương án xử lý từ cơ quan có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bức xúc vì ô nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.