UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xem xét kiến nghị của chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây về công tác giải phóng mặt bằng...
Trong công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố và một số đơn vị khác ngày 27/8, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, mới đây, lãnh đạo thành phố đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Phát triển T.H.T - chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây - báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng khu trung tâm dự án này.
Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây đến nay vẫn chưa thể khởi công vì ách tắc trong giải phóng mặt bằng. |
Đáng chú ý, trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, T.H.T cho rằng, do sự thiếu chủ động, tích cực và trì trệ của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội, đến nay, công ty vẫn chưa nhận được “mặt bằng sạch” để triển khai thi công dự án theo chỉ đạo của thành phố.
Cùng với những phản hồi nói trên, phía T.H.T cũng đề xuất một số cơ chế “đặc thù” để có thể nhận được mặt bằng sạch ngay trong tháng 9/2013.
Cụ thể, theo phía T.H.T, sau khi tiến hành lễ động thổ dự án vào tháng 11/2012, doanh nghiệp này đã “chuẩn bị sẵn sàng” 200 triệu USD để đầu tư thêm vào dự án trong năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty vẫn chưa thể có mặt bằng để triển khai dự án theo kế hoạch.
Trong khi đó, tính đến tháng 6/2013, phía T.H.T đã chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội 1.258 tỷ đồng, tương đương khoảng 65 triệu USD, để chi trả đền bù cho các hộ dân bị thu hồi đất trong phạm vi dự án và ứng trước một phần kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, đến nay T.H.T vẫn chưa nhận được một lô đất sạch nào để thi công do vẫn tồn tại 26,1 ha diện tích đất xen kẹt trong số hơn 91 ha đất đã giải phóng mặt bằng.
Theo T.H.T, ngoài một số nguyên nhân khách quan, việc chậm bàn giao mặt bằng là do sự thiếu tích cực của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường để trình UBND huyện phê duyệt.
Kết quả là trong 7 tháng đầu năm 2013, khối lượng giải phóng mặt bằng chỉ đạt 0,5 ha, trong tổng số 26 ha chưa giải phóng mặt bằng, cho dù trước đó vào tháng 6/2012, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án này.
Theo T.H.T, sau hơn một năm có “chỉ đạo”, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án về cơ bản “không thay đổi”.
Thậm chí, vào tháng 6/2013, T.H.T đã có đề xuất về khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng 18,7 ha, trong đó còn 23 hộ chưa giải phóng mặt bằng xen kẹt, xôi đỗ và được Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Từ Liêm ủng hộ tại cuộc họp ngày 19/6/2013.
Tuy nhiên, hai tháng sau khi “ủng hộ” đề xuất này, hồ sơ của T.H.T vẫn chưa được hội đồng này trình lên UBND huyện Từ Liêm.
Để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng cho dự án, T.H.T đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời có cơ chế đặc thù để công ty có mặt bằng sạch nhanh chóng.
Cụ thể, UBND thành phố cho phép Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Từ Liêm tạm tính số tiền bồi thường cho 23 hộ dân, sau đó UBND huyện lập một tài khoản do cơ quan này đứng tên. Trên cơ sở thông báo của Hội đồng, T.H.T sẽ chuyển toàn bộ số tiền bồi thường tạm tính vào tài khoản của UBND huyện Từ Liêm và nhận được mặt bằng sạch toàn bộ 17,8 ha để thi công dự án.
Công tác phê duyệt bồi thường và chi trả cho 23 hộ dân này được tiến hành sau theo quy định vì toàn bộ diện tích này các hộ dân đã ngừng canh tác, không liên quan đến hiện trạng nữa, mà chỉ là vấn đề hồ sơ.
Trước các phản ánh và kiến nghị của T.H.T, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, tập trung lực lượng để hoàn thành toàn bộ hồ sơ thu hồi đất của 23 hộ dân nói trên, trình UBND huyện Từ Liêm thẩm định ngay trong tháng 8/2013, phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 9/2013.
Trung tâm cũng phải hoàn thành hồ sơ thu hồi 17,1 ha đất chưa giải phóng mặt bằng, trình phương án bồi thường hỗ trợ lên UBND huyện Từ Liêm phê duyệt để chi trả cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng phần diện tích này cho chủ đầu tư trong tháng 12/2013.
Riêng đề xuất lập tài khoản riêng của UBND huyện Từ Liêm của T.H.T, lãnh đạo Thành phố giao cho Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng và huyện Từ Liêm nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố trước 5/9 tới.
Dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư từ tập đoàn Daewoo E&C và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).
Vào tháng 11/2012, chủ đầu tư đã tiến hành lễ động thổ dự án. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, mọi hoạt động liên quan đến dự án này đều phải đình lại, do chủ đầu tư chưa có đất sạch từ phía Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.