(HNM) - Một cuốn sách tập hợp 1.000 ca khúc viết về Hà Nội sắp ra mắt. Đây không chỉ là một hoạt động mang ý nghĩa mừng thành phố nghìn năm tuổi, mà còn là một sự kiện của ngành xuất bản. Có lẽ chưa từng có cuốn sách về âm nhạc nào của Việt Nam đồ sộ như thế.
Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người đưa ra ý tưởng và thực hiện biên soạn cuốn sách này.
- Lý do khiến nhạc sĩ làm một tuyển tập 1.000 ca khúc về Hà Nội?
- Tôi làm cuốn này trước hết là vì tình yêu Hà Nội. Vì mình và nhiều nhạc sĩ khác đã gắn bó, chia sẻ với Hà Nội trong thời gian dài. Đây là món quà của những người sáng tác. Thực ra từ khi thống nhất đất nước, tôi đã sưu tầm các bài hát viết về Hà Nội rồi. Đến năm 2008 đã được hơn 600 bài, tôi nảy ra ý muốn làm một tuyển tập 1.000 ca khúc từ đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và bản thảo 1.000 ca khúc về Hà Nội. |
- Bao nhiêu nhạc sĩ có bài hát trong tuyển tập này thưa ông? Nhạc sĩ làm thế nào để liên hệ với chừng ấy tác giả của 1.000 ca khúc?
- Tôi liên hệ bằng nhiều cách, gửi thông báo, gọi điện hay trong các cuộc giao lưu giữa anh em nhạc sĩ với nhau thì bảo tôi đang làm một tuyển tập như thế, ai có bài viết về Hà Nội thì gửi tới. Số ca khúc tôi nhận được nhiều hơn con số 1.000. Tôi tuyển chọn rất kỹ, không phân biệt tên tuổi của tác giả mà cứ bài hay thì đưa vào. Có hơn 500 nhạc sĩ trong tuyển tập, nhiều người được giải thưởng Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Huy Du... đều góp mặt. Người cao tuổi nhất là có lẽ là Nguyễn Xuân Khoát, người ít tuổi nhất là Nguyễn Đức Cường với ca khúc "Nồng nàn Hà Nội".
- Sắp xếp 1.000 ca khúc theo trình tự là điều không đơn giản. Nhạc sĩ chọn bố cục nào cho tuyển tập này để bạn đọc có thể dễ dàng tìm được ca khúc mà mình yêu thích?
- Tôi xếp các ca khúc vào 6 phần: Sử ca, Hùng ca, Hoan ca, Tình ca, Nhi ca (các ca khúc thiếu nhi hát về Hà Nội), Mùa ca (bốn mùa Hà Nội). Trong mỗi phần như vậy thì tùy vào năm sáng tác mà sắp xếp thứ tự trước sau.
- 1.000 ca khúc dễ khiến người xem có cảm giác cuốn sách "loãng", không có chủ đề trọng tâm. Nhạc sĩ có e ngại điều đó?
- Tôi không hề e ngại. Chủ đề trọng tâm là Hà Nội đã rõ rồi. Với 1.000 ca khúc, đây không chỉ giống như một từ điển bài hát về Hà Nội, mà còn là tâm tư của người Hà Nội - người ưu tư, người nhộn nhịp, người lại sâu lắng… tạo ra bức tranh toàn cảnh về Hà Nội bằng âm nhạc.
- Làm một cuốn sách "nặng ký" như vậy, có đơn vị nào đỡ đầu không?
- Tôi làm hoàn toàn với tư cách cá nhân một nhạc sĩ yêu Hà Nội thôi. Nhưng tôi có những bậc đàn anh ủng hộ dự án này, giúp đỡ tuyển chọn như giáo sư (GS) Dương Viết Ái, GS Nhật Thăng, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long. Rồi các anh em giúp mình kẻ nhạc. NXB Âm nhạc đứng về mặt pháp lý để xuất bản tuyển tập này. Tuy nhiên, về mặt kinh phí thì hoàn toàn là tiền túi của cá nhân.
- Dự kiến lúc nào thì người yêu nhạc có thể "xem" bức tranh về Hà Nội bằng âm nhạc, thưa nhạc sĩ?
- Mỗi cuốn dày hơn 2.000 trang nên nhìn khá bề thế. Sách hiện đã kẻ nhạc và thiết kế xong, chờ in ấn nữa thôi. Ngày 28-9 sẽ chính thức phát hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.