Theo dõi Báo Hànộimới trên

Brazil trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị

Thanh Hà| 12/04/2016 11:17

(HNMO) – Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã liên tục phải đối mặt với những sóng gió trên chính trường trong nhiều tháng qua. Hàng loạt những vụ bê bối xung quanh Petrobras đã khiến uy tín của bà sụt giảm và mất đi những người đồng minh thân cận nhất.


Dư luận cáo buộc bà quản lý yếu kém khiến nền kinh tế Brazil phải gồng lưng chống chịu cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ những năm 1930. Chính phủ gần như bất lực trước tình trạng thất nghiệp tăng cao, mức sống giảm trong khi tham nhũng thì tràn lan.

Tỷ lệ tín nhiệm bà Rousseff sụt giảm thê thảm, hiếm khi đạt mức 2 con số. Hàng triệu người dân Brazil cũng đổ xuống đường tuần hành và hô vang khẩu hiệu yêu cầu bà từ chức.

Và chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, Ủy ban Quốc hội thuộc Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu nhất trí luận tội Tổng thống và tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra phiên họp toàn thể của Hạ viện.

3 kịch bản bà Rousseff rời nhiệm sở

Bà Dilma Rousseff sẽ rời nhiệm sở như thế nào? Đó là một câu hỏi khiến nhiều người quan tâm.

Trong kịch bản thứ nhất, bà Rousseff bị buộc tội cản trở các cuộc điều tra ở tập đoàn Petrobras. Cáo buộc này có thể trở thành nền tảng để tiến hành việc luận tội bà Rousseff.

Theo quy định của Brazil, trong phiên bỏ phiếu cuối tuần này của Hạ viện, nếu hội đủ 342 phiếu thuận trong tổng số 515 phiếu của các Hạ nghị sỹ về việc luận tội bà Rousseff, vấn đề này sẽ được đưa ra xem xét tại Thượng viện. Nếu không, quá trình luận tội sẽ bị hủy bỏ.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận do tổ chức Estadao tiến hành, hiện có 292 thành viên muốn luận tội tổng thống ngay lập tức, 115 người phản đối và 106 người vẫn chưa quyết định.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trước nguy cơ bị phế truất.


Trong kịch bản thứ hai, Ủy ban Bầu cử Brazil có thể sẽ kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu ủy ban này nêu bằng chứng cho thấy chiến dịch tái tranh cử của bà Rousseff hồi năm 2014 được tài trợ bởi nguồn tiền tham nhũng thông qua giới lãnh đạo Petrobras.

Còn kịch bản thứ ba, nhanh chóng nhất, và có lẽ cũng được coi là lựa chọn tốt nhất cho bà Rousseff, đó là từ chức trước khi bị Quốc hội phế truất.

Khởi đầu mới cho Brazil?

Sự ra đi của bà Rousseff sẽ mang lại một sự khởi đầu mới cho Brazil, nhưng khó có thể giải quyết tận gốc rễ những vấn đề còn tồn đọng.

Trong thời gian đầu sau khi bà Rousseff rời nhiệm sở, vị trí này sẽ được thay thế tạm thời bởi Phó Tổng thống Michel Temer, lãnh đạo Đảng Phong trào Dân chủ Brazil. Tuy nhiên, bản thân đảng của ông Temer cũng sa lầy vào vụ bê bối Petrobras. Trong tổng số 594 thành viên Quốc hội có tới 352 nghị sỹ bị cáo buộc sai phạm.

Hàng triệu người dân Brazil tham gia biểu tình yêu cầu bà Dilma từ chức.


Một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ mang tới cho các cử tri Brazil cơ hội lựa chọn một gương mặt lãnh đạo mới với trọng trách vực dậy nền kinh tế. Hiện nay, kinh tế Brazil đang chìm sâu trong vòng xoáy suy thoái với mức thâm hụt ngân sách lên tới 11% GDP.

Để chèo lái đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị hiện tại, hàng loạt thách thức sẽ đặt lên vai người kế nhiệm: cải cách hệ thống chính trị, kiểm soát chi tiêu công, chấn chỉnh hệ thống thuế và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đối với những người biểu tình yêu cầu bà Rousseff từ chức, việc bà rời nhiệm sở có thể được coi là một chiến thắng. Nhưng để đưa đất nước Brazil tới thắng lợi mới thì đây chỉ là một bước khởi đầu mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Brazil trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.