Theo dõi Báo Hànộimới trên

Brazil: Khủng hoảng kinh tế trầm trọng

Thùy Dương| 29/11/2015 08:25

(HNM) - Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vừa quyết định hủy các chuyến thăm quan trọng tới Việt Nam và Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào tuần tới. Quyết định khó khăn của người đứng đầu quốc gia Nam Mỹ được cho là liên quan tới chính sách kinh tế của Chính phủ đương nhiệm.

Kinh tế Brazil rơi vào suy thoái, thất nghiệp tăng cao.


Chính phủ của bà D.Rousseff đang gặp khó khăn trong thuyết phục Quốc hội Brazil thông qua các chính sách nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay. Đây là nguyên nhân chính khiến Tổng thống D.Rousseff hủy chuyến công du Châu Á. Quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội Brazil lâm vào căng thẳng sau khi người đứng đầu đảng Lao động (PT) cầm quyền ở Thượng viện, Delcidio Amaral bị bắt hôm 25-11, do tình nghi liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Vụ bắt giữ gây chấn động Quốc hội Brazil, khiến cơ quan này hủy cuộc bỏ phiếu về các dự luật liên quan tới các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ.

Kinh tế Brazil chìm sâu vào suy thoái từ quý III năm 2014 và dự đoán tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 sẽ càng ảm đạm với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1,49%. Theo thống kê, năm 2014, thâm hụt ngân sách ban đầu của Brazil chỉ tương đương 0,63% GDP và sau trả lãi lên tới 6,7% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2002. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng tới 7,9%. Tiêu dùng - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Brazil trong mười năm qua - cũng đang giảm mạnh. Cuối tháng 9-2015, đồng real của Brazil xuống mức thấp kỷ lục. Mức lương tăng ít hơn mức lạm phát đang diễn ra ở Brazil khiến khoảng 35 triệu người thuộc tầng lớp dưới trung lưu ở Brazil tổn thương mạnh. Đây là cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng gần 1/4 thế kỷ qua và đi kèm với các bất ổn khó dự báo. Suy thoái được cho là sẽ kéo dài trong cả năm 2016, nếu thành hiện thực, Brazil sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong 85 năm qua.

Tổng thống D.Rousseff đang phải "thưởng thức" một "ly cocktail đắng" gồm các "vị": Suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp cao, lòng tin của người dân với nội các chỉ còn 8%... Phe đối lập không bỏ lỡ cơ hội và đã đề nghị luận tội Tổng thống. Trong khi đó, Quốc hội cũng bất bình, chống lại kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ. Các vụ tham nhũng lớn bị phanh phui tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia (Petrobras) đã không chỉ giáng một đòn nặng lên nền kinh tế đất nước mà còn đánh thẳng vào cả đảng cầm quyền. Không ít nhân vật tầm cỡ đảng PT đã bị bắt và bị kết án tù.

Thêm vào đó, hãng Standard & Pour's lại vừa hạ bậc tín nhiệm đầu tư của Brazil, hành động như đổ thêm dầu vào lửa. Các gói của chương trình "thắt lưng buộc bụng" gồm cả việc thu các loại thuế đã bị hủy trước đây (như thuế với các hoạt động kinh doanh tài chính, chuyển tiền...) đang bị phản đối kịch liệt. Cũng như vậy, cắt giảm chi tiêu trong các chương trình xã hội - như "lá cờ đầu" dưới thời Tổng thống Lula da Silva và nhiệm kỳ đầu của Tổng thống D.Rousseff - cũng đang vấp phải sự phản đối dữ dội. Từ lâu, Brazil luôn được xem là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới. Và quốc gia này đã không ngừng nỗ lực trong những thập kỷ qua nhằm giảm khoảng cách trong thu nhập. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đang có cơ làm chệch hướng con đường mà các nhà lãnh đạo Brazil đã lựa chọn.

Dẫu vậy, nền kinh tế Brazil vẫn có điểm sáng. Bất ổn kinh tế đã đẩy giá trị đồng real của Brazil xuống mức thấp nhất trong nhiều năm là tin xấu nhưng khía cạnh tích cực là sẽ giúp nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế do hàng xuất khẩu rẻ hơn. Đồng real mất giá cùng với suy giảm kinh tế còn giúp thâm hụt thương mại của Brazil giảm 30% so với năm ngoái. Thêm vào đó, giá bất động sản cũng sụt giảm. Nhiều nhà đầu tư đã tận dụng thời cơ để "ôm hàng" với giá hời. Thế nhưng, hy vọng sớm khôi phục kinh tế cũng như tăng trưởng của Chính phủ Brazil có cơ bị tiêu tan trong những ngày còn lại của năm 2015 này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Brazil: Khủng hoảng kinh tế trầm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.