Giải trí

“Bóng cây kơ nia”

Hà Phong 17/12/2023 - 10:45

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đọc bài thơ “Bóng cây kơ nia” của Ngọc Anh từ năm 1960, nhưng 11 năm sau (1971) ông mới cảm hứng sáng tác ca khúc cùng tên, nhanh chóng được đông đảo đồng bào Tây Nguyên và cả nước yêu thích: “Buổi sáng, em lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ”...

huynh-dieu.jpg
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Nhiều người thắc mắc: Kơ nia là cây gì? Sao không mượn những loài gỗ quý khác để ngợi ca? Theo các già làng ở Tây Nguyên, cây kơ nia cao chừng 20 - 30m, thân to, tán đậm, còn gọi là cây cốc. Không những có sức sống mãnh liệt, vững vàng trước gió bão, cây kơ nia còn mang ý nghĩa tâm linh, đồng bào coi cây là nơi trú ngụ của thần thánh, chở che họ trước thiên nhiên khắc nghiệt. Với ý tứ đó, nhà thơ Ngọc Anh (1934 - 1965), phóng viên mặt trận Tây Nguyên đã sáng tác bài thơ “Bóng cây kơ nia”. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho ý thơ bay bổng bằng âm hưởng dân gian Tây Nguyên, giai điệu lúc chậm rãi tự sự, lúc dồn dập thôi thúc, cuốn hút người nghe.

Ca khúc thể hiện tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên luôn hướng về cách mạng, hướng về miền Bắc, một lòng theo Bác, theo Đảng, tin tưởng vào ngày thống nhất đất nước: “Em hỏi cây kơ nia/ - Gió mây thổi về đâu?/ - Về phương mặt trời mọc/ Mẹ hỏi cây kơ nia/ - Rễ cây uống nước đâu? - Uống nước nguồn miền Bắc”, “Em và mẹ nhớ anh/ Uống nước nguồn miền Bắc”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015) quê gốc Điện Bàn, Quảng Nam, sinh tại Đà Nẵng. Kháng chiến chống Pháp, ông tham gia quân đội tại Liên khu V. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, từng là Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1964, ông trở lại chiến trường Trung Trung Bộ công tác trong Ban văn nghệ Khu V. Sau 1975, ông chuyển về Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông đã sáng tác hơn 100 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng: “Những ánh sao đêm”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, "Bóng cây kơ nia", “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Hành khúc ngày và đêm”... Đặc biệt, ca khúc hùng tráng “Đoàn Giải phóng quân” (1945) đã góp phần thôi thúc toàn dân khởi nghĩa giành độc lập vào mùa thu lịch sử.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã được tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cùng nhiều phần thưởng có giá trị cho những cống hiến xuất sắc của ông về âm nhạc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bóng cây kơ nia”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.