Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bong bóng” nợ làm giá vàng nhảy múa

Vân Khanh| 14/05/2010 06:48

(HNM) - Cho dù trượt nhẹ từ đỉnh cao 1.247,7 USD/ounce vừa thiết lập ngày 12-5, cú nhảy của giá vàng thế giới vẫn ở ngưỡng cao kỷ lục 1.236,2 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 13-5.


Sự nhộn nhịp tại các sàn giao dịch với lượng cầu tăng mạnh nhất kể từ sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers cho thấy, vàng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư với vai trò là hàng rào phòng thủ hữu hiệu. Nhất là khi mối hoài nghi về tác dụng của gói cứu trợ gần 1.000 tỷ USD nhằm đối phó với cơn khủng hoảng nợ tại châu Âu vẫn còn đó.

Sau một thời gian dài trầm lắng, vàng đã trở lại vị trí "thống trị" đầy ấn tượng với việc liên tiếp lập kỷ lục mới chỉ trong hai phiên giao dịch. Đỉnh cao cũ 1.227,5 USD/ounce ghi nhận hồi đầu tháng 12-2009 đã bị bỏ xa nhanh chóng. Điều đó cho thấy, nỗi lo về triển vọng hồi phục của nền kinh tế thế giới từng bao trùm các sàn giao dịch vàng, là chất xúc tác đưa giá kim loại quý phi mã hồi cuối năm ngoái đã trở lại. Những quan ngại về hậu quả khôn lường của một cuộc khủng hoảng tại Lục địa già với gói giải cứu khổng lồ đem theo nguy cơ một làn sóng lạm phát bùng phát bất kỳ lúc nào đã đẩy nhu cầu sở hữu vàng tăng vọt trong vài ngày qua. Đây là nguyên nhân chủ đạo khiến giá kim loại quý tăng và cộng thêm tới 11% giá trị từ đầu năm đến nay do các nhà đầu tư ồ ạt "đổ" tiền vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Diễn biến này khiến mục tiêu trấn an và xoa dịu những xáo trộn trên thị trường từ gói hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) không đạt được kỳ vọng như mong đợi.

Hiện các nhà đầu tư lo ngại, một "bong bóng" nợ công đang hình thành tại châu Âu và hàng "núi tiền" được tung ra để giải quyết cuộc khủng hoảng chỉ càng khiến nợ "đẻ" thêm nợ. Bên cạnh đó, mối ngờ vực rằng, liệu đây có phải là một kế hoạch dài hạn hay chỉ là một hỗ trợ tức thời vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong khi mối ngờ vực này chưa kịp dập tắt thì thông tin Hy Lạp đang đứng trước khả năng tiếp tục bị giảm tín nhiệm tín dụng trong những tháng tới do chìm ngập trong nợ nần lại nhen nhóm thêm mối hoài nghi mới về sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Iceland cũng đang ngấp nghé trở thành nạn nhân khủng hoảng càng khiến niềm tin của giới đầu tư bị xói mòn nghiêm trọng. Cùng với bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn đầy bất ổn và tiếp tục bị bán tháo, trên thị trường ngoại hối, đồng euro lập tức mất hơn 10% giá trị so với USD. Cú chuyển hướng này đã hỗ trợ mạnh đà tăng của vàng. Theo quy luật, trong khủng hoảng, đồng bạc lưng xanh và kim loại quý thường tăng giá mạnh so với các tài sản khác. Vì vậy, không ngạc nhiên khi vàng và USD đang song hành tại thời điểm hiện nay.

Những ký ức về siêu lạm phát từng xảy ra trong quá khứ đang giúp vàng có sức hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư cá nhân lẫn các quỹ đầu tư lớn. Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR vẫn tiếp tục mua vào với khối lượng lớn, nâng tổng trữ lượng vàng của quỹ tăng 17,3490 tấn trong phiên giao dịch hôm 12-5 lên mức kỷ lục mới 1.209,499 tấn. Cú hút vàng này được xem là một nỗ lực để giá vàng tiếp tục đứng ở ngưỡng cao trong ít ngày tới.

Ngoài những tác động từ cơn bão nợ châu Âu, vàng còn hưởng lợi trước niềm tin các ngân hàng trung ương khó có thể tăng lãi suất trong giai đoạn trước mắt khi các thị trường còn đang hoang mang. Thêm vào đó, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu châu Á cùng sự thay đổi tương quan giữa các nền kinh tế trên thế giới với bước thăng tiến nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi thời gian qua... cũng góp phần đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng cao. Trong bối cảnh "bong bóng" nợ của Hy Lạp vẫn đang lơ lửng trên bầu trời Âu, vàng xem ra vẫn là điểm "trú bão" an toàn và được chọn làm rào cản chống lạm phát hiệu quả so với các công cụ truyền thống như tiền tệ và các tài sản có giá khác tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Vì vậy, trong những ngày tới, vàng sẽ vẫn thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trước cú tăng đột biến của giá vàng, nhiều trung tâm tài chính lớn đã tỏ ra dè dặt và tâm lý chốt lời để bảo toàn lợi nhuận đã xuất hiện. Điều này được khẳng định khi giá vàng đi xuống trong 24 giờ qua; đồng thời cho thấy, sự cảnh giác với giá vàng, tránh tâm lý "số đông" đang loang nhanh trên các sàn vàng thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bong bóng” nợ làm giá vàng nhảy múa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.