Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bong bóng đang vỡ

Vân Khanh| 10/07/2015 06:06

(HNM) - Hơn 1.300 mã cổ phiếu, tương đương gần 50% tổng số mã cổ phiếu đang niêm yết đã ngừng giao dịch, tăng gấp đôi so với một ngày trước là bức tranh rõ nhất về sự sụt giảm báo động của thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày gần đây.

Các nhà đầu tư Trung Quốc tổn thất lớn trong đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán.



Khi nỗ lực tung tiền của chính phủ thông qua các quỹ tài chính để can thiệp vào thị trường mới chỉ cứu vãn tình thế cho một số công ty lớn thì việc "án binh bất động" của hàng loạt mã cổ phiếu có vẻ như là một lựa chọn không thể tốt hơn. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm chậm lại đà bán tháo đã bắt đầu từ gần một tháng nay. Dù chỉ sở hữu lượng vốn hóa bằng gần một nửa thị trường Mỹ, nhưng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày gần đây đã vượt cả thế giới cộng lại.

Thế nhưng, hệ quả của những phiên khớp lệnh khổng lồ là sự "bốc hơi" của khoảng 3.500 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gấp hai lần quy mô của toàn bộ thị trường chứng khoán Ấn Độ. Tính từ ngày 12-6, thời điểm những dấu hiệu của một "cơn hoảng loạn" bắt đầu, chứng khoán Trung Quốc đã bị sụt giảm khoảng 32%. Trong tình cảnh này, thật khó dự đoán việc bao giờ đà lao dốc sẽ chạm đáy, nhưng có điều ngay vào thời điểm hoàng kim nhất mới chỉ cách đây không lâu, đã có những cảnh báo rằng bong bóng chứng khoán đang được bơm căng này của Trung Quốc sẽ không thể trụ vững trong 6 tháng. Thế nhưng, những khoản lợi suất khổng lồ có lúc lên tới 77 lần chỉ trong 4 ngày với 1 mã cổ phiếu đẩy chứng khoán Trung Quốc tăng gấp đôi trong vòng vỏn vẹn 12 tháng đã khiến mọi lời cảnh báo đều bị bỏ ngoài tai. Cùng với việc giá trị vốn hóa thị trường tăng thêm 6.500 tỷ USD, mức lợi nhuận không tưởng có thể biến mộng ước giàu sang thành hiện thực chỉ sau một giấc ngủ đã khiến cổ phiếu là vấn đề thời sự nhất của mọi nhà.

Trong vòng xoáy làm giàu, việc những người nông dân Trung Quốc vốn quanh năm chân lấm tay bùn giờ bỏ bê đồng áng để đánh cược vào những con chữ xanh đỏ tại các sàn giao dịch đã không còn lạ lẫm. Câu chuyện về các "nữ thần cổ phiếu" hay "ông hoàng chứng khoán" chân đất từng được ngưỡng mộ như những nhà đầu tư đại tài cũng mới qua chưa lâu. Tuy nhiên, cũng chính một số lượng kỷ lục những nhà đầu tư cá nhân lên tới hơn 90 triệu người và chiếm khoảng 80% toàn thị trường vốn bị "hút hồn" bởi ánh hào quang cổ phiếu, những người muốn ghé qua thị trường chứng khoán như rẽ vào một sòng bạc hòng đổi vận lại là nhân tố khiến các sàn giao dịch Trung Quốc không thôi rực lửa. Giống như khi bằng mọi cách để mua cho được một mã cổ phiếu, giờ đây điều duy nhất các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm là làm sao có thể "đẩy hàng" sớm phút nào tốt phút ấy. Ngoài yếu tố tâm lý, một sự thật là đã có vô số các khoản vay ngân hàng được đổ vào sân chơi vốn không dành cho những kẻ nghiệp dư. Ước tính hiện có khoảng 348 tỷ USD tiền vay mượn từ ngân hàng đã được các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc đặt cược vào chứng khoán. Kỳ vọng của họ đẩy hệ số P/E (giá/thu nhập), thước đo về độ đắt rẻ của cổ phiếu nhảy lên mức cao nhất trong 5 năm. Song, khi thị trường vào đợt điều chỉnh dữ dội, áp lực nợ nần buộc những nhà đầu tư này muốn rời bỏ thị trường càng nhanh càng tốt cho dù tính trung bình giá cổ phiếu đã giảm đi 50%.

Kể cả như vậy thì giá cổ phiếu trung bình trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn đắt gấp khoảng 3 lần so với cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ. Như thế để thấy rằng, những chấn động vừa qua chưa chắc đã là điểm dừng cuối. Không nhiều người nghi ngờ khả năng trên nhưng mối quan tâm lớn nhất hiện nay là nền kinh tế vốn đang trong giai đoạn trì trệ nhất kể từ năm 1990 của Trung Quốc sẽ đón nhận cú sốc này ra sao. Phải nói rằng đây là một bài kiểm tra quá khó khi công xưởng thế giới đang cố gắng sửa chữa những khiếm khuyết về cơ cấu đã lộ rõ trong quá trình phát triển. Dù muốn hay không thì chắc chắn rằng những ngày đen tối trên các sàn giao dịch cổ phiếu sẽ làm trì hoãn những kế hoạch đầy tham vọng nhằm tiếp sức cho thị trường bất động sản hay cải cách kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng, liệu trận động đất tài chính này có đẩy người khổng lồ Châu Á vào một cuộc khủng hoảng như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại hay không thì lại cần thêm nhiều thời gian. Có điều, trước khi bước vào thập kỷ mất mát vào những năm 1990, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt 145% GDP, so với tỉ lệ 87% của Trung Quốc hiện nay. Xa hơn, chính sự đổ vỡ của phố Wall sau thời gian 5 năm tăng chóng mặt với hơn 200% đã là nguyên nhân đẩy thế giới vào cuộc đại suy thoái kinh tế 1930.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bong bóng đang vỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.