(HNM) - Ngoài một Singapore luôn vượt trội thì đã nổi lên Campuchia, khiến bản đồ bóng bàn khu vực thêm một lần xáo trộn.
Tay vợt Su Kim Sour của Đội tuyển nam Campuchia ở Giải bóng bàn Đông Nam Á. |
Đến trước năm 2003, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đã có "tiếng nói" ở bóng bàn Đông Nam Á. Nhưng từ 2005, với chiến lược cho các tay vợt gốc Trung Quốc nhập quốc tịch, bóng bàn Singapore đã dễ dàng bước lên ngôi đầu khu vực, khiến các "ông lớn" trước đây chỉ còn nghĩ tới việc chinh phục tấm HCB. Singapore chiếm ưu thế tuyệt đối tại SEA Games và tự tin đến mức còn không cử các tay vợt hàng đầu dự SEA Games.
Tuy nhiên, không phải kỳ SEA Games nào từ năm 2005, bóng bàn Singapore cũng không để "sổng" HCV. Năm 2009, trên đất Lào, bộ đôi Đinh Quang Linh - Đoàn Kiến Quốc đã lên ngôi vô địch nội dung đôi nam trong trận chung kết nội bộ với cặp Trần Tuấn Quỳnh - Nguyễn Nam Hải. Nhưng đấy là lần hiếm hoi bóng bàn Singapore "vỡ" mục tiêu thâu tóm toàn bộ HCV tại SEA Games. Ở kỳ SEA Games gần đây nhất, năm 2013, Singapore đã khẳng định ưu thế tuyệt đối khi giành cả 4 HCV ở 4 nội dung của giải. Thế nên việc được thi đấu SEA Games trên sân nhà lần này càng khiến bóng bàn Singapore thêm quyết tâm khẳng định vị thế của mình. Như chia sẻ của HLV trưởng Đội tuyển bóng bàn Việt Nam Nguyễn Đức Long thì, "tôi tin rằng, Singapore không chỉ muốn thâu tóm toàn bộ 7 HCV mà còn muốn giành tối đa số HCB trong các nội dung tham dự. Họ có đủ lực để hoàn thành việc này". Trên bảng xếp hạng tháng 5 của Liên đoàn bóng bàn thế giới, bóng bàn nam Singapore có 3 tay vợt trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu (ngoài Singapore, khu vực Đông Nam Á không có tay vợt nào trong nhóm này), trong đó có tay vợt kỳ cựu gốc Trung Quốc Gao Ning - xếp hạng 15 thế giới, 2 tay vợt khác là Li Hu (hạng 72) và Wu Zhikang (hạng 91). Riêng Gao Ning mới vào vòng 1/16 đơn nam ở Giải vô địch bóng bàn thế giới vừa qua.
Còn đội nữ Singapore thực sự quá mạnh so với các đối thủ trong khu vực. Cũng trên bảng xếp hạng tháng 5 của Liên đoàn bóng bàn thế giới, Singapore có tới 5 tay vợt trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới. Đứng đầu trong số này là Feng Tianwei (hạng 4), Yu Mengyu (hạng 13), Lin Ye (hạng 49), Zhou Yihan (hạng 65), Zeng Jian (hạng 81). Còn tại Giải vô địch thế giới vừa qua, Feng Tianwei vào vòng tứ kết đơn nữ và đoạt HCĐ đôi nữ thế giới cùng Yu Mengyu. Không ngẫu nhiên mà báo chí Singapore đã dự báo đội nữ bóng bàn Singapore sẽ giành tấm HCV đầu tiên cho Đoàn thể thao Singapore tại SEA Games tới khi nội dung này kết thúc ngày 2-6.
Với dàn VĐV đã đạt tới đẳng cấp thế giới, rõ ràng Singapore chiếm ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ còn lại. Tất nhiên, bóng bàn Singapore và đương nhiên là Việt Nam cũng đang chờ xem bóng bàn Campuchia sẽ tung đội nam với thành phần như thế nào tại SEA Games lần này. Cuối năm ngoái, tại Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á, Campuchia đã gây sốc khi đoạt tới 2 HCV, đánh bật sự thống trị của bóng bàn Singapore ở nội dung nam. Cách làm của Campuchia cũng giống Singapore đã làm cách đây 10 năm khi cho nhập quốc tịch 3 tay vợt Hàn Quốc. Ở giải Đông Nam Á 2014, 3 tay vợt gốc Hàn Quốc, nổi bật là Ly Song Hong, đã giúp Campuchia đăng quang ở nội dung đồng đội khi đánh bại Singapore 3-1, rồi sau đó Ly Song Hong cũng lên ngôi vô địch đơn nam với chiến thắng 4-2 trước một tay vợt Singapore khác.
Thế nên, khi chấp nhận chỉ trông vào nội lực, bóng bàn Việt Nam tất yếu gặp khó trước mục tiêu 1 HCB, 2 HCĐ tại SEA Games 28. Kết quả cuộc đấu tuyển chọn nội bộ vừa qua hầu như không ảnh hưởng đến lực lượng của đội tuyển. Tuy vậy, việc này cũng ít nhiều tác động tới quá trình chuẩn bị chiến thuật. Đích ngắm huy chương của đội tuyển trải cả ở 7 nội dung thi đấu, nhưng có lẽ cũng chỉ mong giành HCĐ nội dung đồng đội trong khi giành HCB ở các nội dung đôi. Còn việc bảo vệ tấm HCB ở nội dung đơn nam của Lê Tiến Đạt rất khó khăn nếu xuất hiện thêm các tay vợt gốc Hàn Quốc và Trung Quốc trong đội hình Campuchia. Để hoàn thành mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Đức Long, phải đợi kết quả bốc thăm vào ngày 31-5 và sau đó, các tay vợt Việt Nam phải... nắm bắt được cơ hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.