(HNM) - Đã 4 năm trôi qua, dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác Núi Thoong vẫn nằm bất động vì chưa chọn được công nghệ. Trong khi chờ triển khai dự án, hằng ngày huyện Chương Mỹ và các địa phương lân cận phải tốn kém hàng chục triệu đồng mới vận chuyển được một lượng rác rất nhỏ đến bãi rác Xuân Sơn, hàng trăm tấn rác còn lại nằm trong khu dân cư đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Sau sự cố xảy ra tại bãi rác vào cuối tháng 7-2008, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng, giao Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) xây dựng các hạng mục như hoàn thiện ô chôn lấp số 1, đào mới ô chôn lấp số 3 với công nghệ phủ vải địa kỹ thuật với độ bền 50 năm và có hệ thống dẫn nước thải ra hồ lắng lọc. Tuy nhiên, dù sự cố được khắc phục, người dân vẫn tiếp tục phong tỏa bãi rác, theo ông Nguyễn Chí Đối, Trưởng thôn Tiến Tiên (xã Tân Tiến), người dân vẫn không tin tưởng vào độ an toàn của những tấm bạt được lót phía dưới ô chôn lấp số 3 nên tiếp tục không cho đổ rác vào. Phóng viên cũng đã kiểm tra thực tế nhận thấy tấm bạt tại ô chôn lấp rác số 3 đã có nhiều vị trí bị rách, xô lệch. Tại ô chôn lấp số 3, bảo vệ Công ty Xuân Mai đã tận dụng thả cá. Bên cạnh ô chôn lấp là những ống cống đúc sẵn nằm ngổn ngang, nhà điều hành đang xuống cấp đóng cửa im ỉm; phần diện tích đã giải phóng mặt bằng cũng bỏ hoang, cây cối mọc um tùm. Phía ngoài khu bãi rác là hệ thống đường giao thông vào bãi, đèn điện, cột điện, trạm biến thế… đều bỏ không rất lãng phí.
Tấm vải bạt ở ô chôn lấp số 3 đã hư hỏng. |
Tình trạng này đã kéo dài 4 năm nay và đi cùng với đó là sự chậm trễ trong triển khai dự án nhà máy xử lý rác khi giải phóng mặt bằng 10,4ha vẫn chưa hoàn thành (còn một số hộ chưa nhận tiền đền bù); công nghệ xây dựng nhà máy chưa lựa chọn được. Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty Xuân Mai cho biết, sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại Núi Thoong trên diện tích 10,4ha với công nghệ chế biến rác làm phân complus và đốt chất thải vô cơ thay thế phương pháp chôn lấp cũ (Dự án có tổng mức đầu tư 17,5 triệu USD với kế hoạch khởi công trong tháng 10-2011 và hoàn thành vào tháng 7-2012), trải qua hàng loạt thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài thời gian như đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ… đến cuối năm 2011, dự án mới được trình Sở Kế hoạch Đầu tư.
Trong khi dự án vẫn "nằm bất động" trên giấy thì đến ngày 2-7-2012, Công ty Xuân Mai có Công văn số 19/CV-MTĐTXM xin thay đổi dây chuyền công nghệ xử lý. Với lý do thủ tục mua bán, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu thiết bị và giá thành quá cao so với thị trường một số nước Châu Âu nên doanh nghiệp không tiếp tục thực hiện được. Công ty Xuân Mai xin chuyển đổi sang công nghệ "Xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo" phù hợp với điều kiện rác thải ở vùng nông thôn, giá thành đầu tư thấp, công suất phù hợp với rác thải khu vực cấp huyện. Ngày 10-8-2012, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội đã có văn bản phúc đáp và đề nghị Công ty Xuân Mai tập hợp hồ sơ pháp lý của dự án, lập hồ sơ đề xuất thay đổi công nghệ.
Trong khi chờ đợi thì đầu tháng 11, trao đổi với PV Hànộimới, Giám đốc Công ty Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh lại đưa ra một thông tin "sốc" là công ty đang xem xét để tiếp tục xin thay đổi công nghệ một lần nữa. Bỏ qua công nghệ "Xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo" vừa xin chuyển hồi tháng 7-2012, ông Oanh mô tả công nghệ mới này là "đưa rác vào lò phản ứng phân giải rác bằng điện từ, sản xuất ra khí ga và phát điện thành phẩm. Công nghệ này không có chất thải, nếu có là một lượng rất nhỏ, không đáng kể". Giá thành của dây chuyền lên đến 450 triệu USD với công suất 2.000 tấn rác/ngày đêm. Hiện Công ty Xuân Mai đã ký bản hợp đồng ghi nhớ với phía đối tác là Công ty De Brom S.A.S Colombia (Colombia) với thỏa thuận thành lập liên danh để xây dựng nhà máy. Theo ông Oanh, công nghệ này đã được xin ý kiến "bằng miệng" với Bộ Khoa học Công nghệ và được đánh giá cao; UBND TP Hà Nội đã cho chủ trương tiếp cận công nghệ để xem xét, đánh giá hiệu quả đầu tư.
Lần thứ 3 thay đổi công nghệ nhưng số phận Nhà máy xử lý rác Núi Thoong vẫn chưa được định đoạt. Với kinh phí lớn (450 triệu USD), lại đang trong thời điểm thắt chặt đầu tư thì việc hiện thực hóa dự án còn gặp nhiều khó khăn. Dự án 17,5 triệu USD trước đó đã mất 4 năm và không thực hiện được, vậy dự án 450 triệu USD sẽ mất bao nhiêu năm nữa để triển khai? Nhưng có một thực tế là người dân thôn Tiến Tiên đã "quá mệt mỏi vì bãi rác" và mất niềm tin khi nhà máy vẫn chưa được xây dựng như hứa hẹn.
Mỗi ngày tồn đọng 180 tấn rác Thống kê của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, mỗi ngày 32 xã, thị trấn của hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai công ty đang đảm nhận thu gom rác, thải ra môi trường khoảng 250 tấn rác, nhưng mới vận chuyển được 70 tấn đi bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây), còn tồn đọng trong dân khoảng 180 tấn/ngày, chưa kể những xã chưa thu gom. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.