(HNM) - Là một bộ phận quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp (DN) nhưng trên thực tế, với thu nhập quá ''bèo bọt'', đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) đã và đang dần rời xa các DN; nhất là ở những ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông như dệt may, giày da, nhựa, bao bì, chế biển thực phẩm...
Ở một số địa phương còn xuất hiện tình trạng công nhân bỏ việc hàng loạt. Nguyên nhân được tổ chức Công đoàn (CĐ) xác định là do mức lương quá thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu của CNLĐ.
Bảo đảm chế độ chính sách sẽ giúp doanh nghiệp giữ được lao động có tay nghề. Ảnh: Phương An |
Quanh năm một nỗi âu lo
Nỗi lo đối với CNLĐ không gì khác chính là cơm, áo, gạo, tiền. Thiết thực, cấp thiết như vậy, song người công nhân không thể tự tìm cho họ một hướng đi nào để nhẹ bớt gánh lo âu. Chủ tịch Tổng LĐLĐViệt Nam Đặng Ngọc Tùng đánh giá, đời sống CNVCLĐ hiện còn nhiều khó khăn. Mặc dù tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh theo lộ trình của Chính phủ song việc tăng thêm đang có sự cách biệt khá lớn với thu nhập của CNLĐ giữa các lĩnh vực. Đơn cử, thu nhập bình quân của CNLĐ trong doanh nghiệp (DN) nhà nước khoảng 3,8 triệu đồng/người/tháng, tại DN tư nhân là 2,7 triệu đồng, DN có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng, trong khối hành chính sự nghiệp là 2,5 triệu đồng và thấp nhất là lao động trực tiếp, khoảng 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Vấn đề nhà ở cho CNLĐ tại các KCN cũng rất khó khăn; hiện nay cả nước có 25 dự án nhà ở cho CNLĐ được khởi công, dự kiến cung cấp chỗ ở cho khoảng 129 nghìn người. Tuy nhiên, mới có 9 dự án được đưa vào sử dụng (trong đó Hà Nội có 1 dự án và TP Hồ Chí Minh có 8 dự án) và mới đáp ứng khoảng 5-7% nhu cầu nhà ở của CNLĐ. Tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) cho NLĐ cũng còn nhiều khó khăn, hiện mới có khoảng 9,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 5,7 triệu người có quan hệ lao động. So sánh với khoảng 11 triệu người làm công ăn lương, rõ ràng còn rất nhiều CNLĐ chưa được tham gia chính sách này.
Ở một số KCN tồn tại "Bốn không": Không nhà cửa (các KCN hầu hết đều là người ngoại tỉnh); không gia đình (CNLĐ nữ không lập được gia đình do điều kiện nhà ở, đồng lương không bảo đảm); không văn hóa (thiếu các thiết chế văn hóa nên CNLĐ không được hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần) và không quan tâm chính trị (từ những khó khăn vật chất, CNLĐ chỉ quan tâm đến tiền lương, việc làm mà không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến chính trị). Những khó khăn trên chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động và đình công diễn biến phức tạp. Theo thống kê, số vụ đình công liên tục tăng, năm 2008 là 762 cuộc; năm 2009 là 310 cuộc; năm 2010 là 424 cuộc và 5 tháng đầu năm 2011 là 336 cuộc. Đình công xảy ra ở các DN FDI chiếm tới 60%, chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm quyền và lợi ích của CNLĐ.
Tại Hà Nội, tình hình đời sống việc làm của CNLĐ 6 tháng đầu năm cũng có nhiều điều đáng lo ngại. Mặc dù các cấp CĐ đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành hơn 2.300 cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách đối với CNLĐ, song vẫn có tới 50% DN vi phạm không ký kết, hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) kiểu đối phó.
Giữ "vốn quý" bằng cách nào?
Thực tế cho thấy, sự nỗ lực của tổ chức CĐ trong việc tháo gỡ khó khăn, ổn định việc làm, đời sống CNLĐ đã mang lại hiệu quả nhất định. Ông Nguyễn Tùng Vân - Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam khẳng định, 69 CĐ Dệt may đã ký TƯLĐTT với NLĐ. Theo đó, các DN điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng 12% và điều chỉnh mức lương thấp nhất trả cho CNLĐ đã qua đào tạo nghề cao hơn tối thiểu 10% so với lương tối thiểu vùng (thay vì 7% theo Nhà nước quy định), phụ cấp độc hại tối thiểu cao hơn 7% so với công việc bình thường (thay vì 5% theo quy định của Nhà nước). Việc này góp phần làm giảm đáng kể tình trạng biến động lao động và bỏ việc, giúp các DN ổn định sản xuất. Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, nhằm giảm bớt khó khăn cho CNLĐ, 6 tháng qua, LĐLĐ TP đã cho vay 33 dự án Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 500 lao động và quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô cũng giải ngân hơn 11 tỷ cho hơn 1.000 CNLĐ khó khăn vay, đồng thời trợ cấp khó khăn cho hơn 10 nghìn lượt CNLĐ nghèo... Thời gian tới các cấp CĐ TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ nhằm chăm lo đời sống NLĐ. Trước mắt đẩy mạnh việc kiểm tra giám sát thực hiện chế độ chính sách với CNLĐ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, những vấn đề bức xúc, cấp bách vẫn chưa thực sự được tập trung giải quyết quyết liệt và chưa tạo sự chuyển biến đáng kể. Nhất là chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội tại các KCN tập trung mới được triển khai, chưa thực sự đi vào thực tế cuộc sống. "Người lao động là vốn quý của DN", song làm sao để giữ được vốn quý đó, ngoài việc quan tâm của Nhà nước, sự cố gắng của NLĐ, thì vấn đề mấu chốt phụ thuộc vào chính các DN với những chế độ, chính sách hợp lý, bảo đảm đời sống NLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.