(HNMO) - Dự án đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh đã được khởi công sáng ngày hôm nay, 18-6. Còn nhớ, một năm trước, lãnh đạo thành phố đã đặt quyết tâm lấy dự án đường Vành đai 3 làm hình mẫu về giải phóng mặt bằng. Nay, kết quả đã vượt hơn mong đợi.
Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), tính đến ngày khởi công 18-6, đã có 335/410ha đất được người dân bàn giao phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh, đạt 86,97% diện tích, vượt xa con số 70% đặt ra ban đầu.
Địa phương gặp nhiều khó khăn như thành phố Thủ Đức cũng đạt tỷ lệ 71,93%. Các huyện có tỷ lệ thu hồi, bàn giao đất vượt chỉ tiêu đặt ra gồm: Huyện Hóc Môn (95,45%), huyện Bình Chánh (93,25%), huyện Củ Chi (83,91%).
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông nhận định, có được kết quả nêu trên là do sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị 4 địa phương nơi dự án đi qua. Cùng với đó, việc người dân đồng thuận hợp tác triển khai đã góp phần lớn vào thành công chung này.
Có thể rút ra bốn bài học chính cho sự thành công của "hình mẫu" giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, đó là: Sự vào cuộc đồng bộ; tăng cường vận động; lo tái định cư; đền bù mức cao.
Về vào cuộc đồng bộ, một năm trước, ngay khi bắt tay vào triển khai công tác chuẩn bị dự án, thành phố Hồ Chí Minh đã sớm thành lập Ban Chỉ huy, Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc và Hội đồng Cố vấn dự án đường Vành đai 3. Theo đó, Ban Chỉ đạo là cơ quan đầu mối phối hợp với tổ công tác Chính phủ và cùng với bộ, ngành giải quyết các vấn đề chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh. Ban gồm 16 thành viên do Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi làm trưởng ban.
Ban Chỉ huy do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan làm Trưởng ban, có nhiệm vụ giúp ban chỉ đạo điều hành, điều phối các nguồn lực; theo dõi, giám sát kế hoạch, tiến độ chi tiết… xử lý hoặc đề xuất kịp thời các vấn đề phát sinh để báo cáo Ban Chỉ đạo.
Hội đồng Cố vấn gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn phản biện, góp ý phương án, đề xuất giải pháp tối ưu để triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư. Ý kiến của hội đồng là cơ sở giúp ban chỉ đạo quyết định các vấn đề quan trọng của dự án.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Võ Trung Trực cho biết, các đơn vị trên đã triển khai hàng nhiều cuộc họp để kiểm tra tiến độ, kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, từ đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, giúp địa phương và cán bộ cơ sở nhanh chóng giải quyết vấn đề.
Về tăng cường vận động ở cơ sở, các huyện thành lập Ban Giải phóng mặt bằng cùng tổ chức, đoàn thể cơ sở tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và đồng thuận. Các mốc dự án được cắm rất sớm. Các chính sách đền bù, tái định cư được niêm yết công khai, rõ ràng… giúp người dân, tổ chức có đất trong vùng dự án hiểu rõ mọi vấn đề, từ đó đồng thuận.
Về bố trí tái định cư, với người dân vùng dự án ở các huyện Hóc Môn và Củ Chi, thành phố bố trí tái định cư tại xã Xuân Thới Đông, gần chợ, đường, trường học, bệnh viện. Với những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, thành phố đưa ra phương án để người dân chọn mua căn hộ chung cư tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và khu chung cư 10ha (phường Tân Thới Nhất, quận 12). Những hộ khó khăn được mua trả góp trong 15 năm.
Tại thành phố Thủ Đức, 239 trường hợp bị ảnh hưởng dự án được bố trí tái định cư tại khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ giai đoạn 2. Đây là khu dân cư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi. Ngoài ra, thành phố còn bố trí 150 căn hộ chung cư C8 Man Thiện để tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ đất ở.
Về đền bù giải phóng mặt bằng, lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giá đền bù cao, sát với thực tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu An Tứ thông tin, giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các diện tích đất trong vùng ảnh hưởng của dự án đường Vành đai 3 ở mức khá cao (cao nhất là hơn 73 triệu đồng/m2). Giá đất nền tái định cư cũng lên đến 55 triệu đồng/m2.
Tại các huyện, người dân phấn khởi vì mức đền bù hợp lý. Ông Huỳnh Ngọc Thịnh, 53 tuổi, ngụ tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, cho biết: “Tôi được đền bù 1.500 m2 (đất trồng cây hằng năm) với giá đền bù là: 2.590.000 đồng/m2; tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Tôi sẽ mua đất làm vườn hoặc trồng lúa, đầu tư thêm để có nông sản nhiều hơn, chất lượng hơn…”.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết, phát huy những kết quả đạt được, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa thành lập Tổ Công tác khai thác quỹ đất ven đường Vành đai 3 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng. Tổ sẽ lập kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối và công tác đấu thầu dọc hai bên tuyến.
Theo tính toán, quỹ đất vùng phụ cận dự án Vành đai 3 tại thành phố Hồ Chí Minh là hơn 2.400 ha, trong đó, có khoảng 500 ha đất nông nghiệp do nhà nước quản lý, có thể bán đấu giá thu về gần 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, nếu rà soát, thu hồi và điều chỉnh quy hoạch phù hợp, tổ chức đấu giá tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.