(HNMO) - Các khu rừng ở Bắc bán cầu được ví như “quả bom hẹn giờ” về nguy cơ Trái đất tăng nhiệt, trong bối cảnh cháy rừng lan rộng đã giải phóng lượng khí carbon kỷ lục.
Bằng cách sử dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu vệ tinh mới, giới nghiên cứu phát hiện những vụ cháy rừng vào mùa hè đã lan đến các khu rừng ở Bắc bán cầu kể từ năm 2000.
Theo CNN, Bắc bán cầu thường chiếm 10% khí CO2 thải ra từ các vụ cháy rừng trên phạm vi toàn cầu. Nhưng vào năm 2021, lượng khí thải CO2 tại khu vực này đã tăng vọt lên mức 23%. Nguyên nhân do tình trạng hạn hán cùng nắng nóng khắc nghiệt ở Siberia và Canada đã góp phần gây ra các đám cháy rừng nghiêm trọng.
Giáo sư Steven Davis đến từ Đại học California (Mỹ) cho biết, rừng Bắc bán cầu được ví như “quả bom hẹn giờ” chứa carbon. Và sự gia tăng phát thải loại khí này từ các vụ cháy rừng gần đây khiến nguy cơ càng lớn.
Những khu rừng bao phủ các vùng đất rộng lớn của Canada, Nga và Alaska là quần xã sinh vật trên cạn lớn nhất thế giới. Chúng cũng giải phóng lượng khí carbon, một trong những tác nhân khiến Trái đất nóng dần lên, cao gấp 10 đến 20 lần so với các hệ sinh thái khác, nếu tính trên mỗi đơn vị diện tích cháy rừng.
Năm 2021, nhiều đám cháy đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại vùng Siberia (Nga), thiêu rụi gần 18,16 triệu ha rừng của quốc gia này. Vụ việc đánh dấu mức thiệt hại kỷ lục kể từ khi Nga bắt đầu theo dõi cháy rừng bằng vệ tinh vào năm 2001.
Cháy rừng đang trở nên nghiêm trọng hơn và đang xảy ra ở những nơi thường không có nguy cơ cao. Nhà nghiên cứu Bo Zheng đến từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) lo ngại, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ gia tăng.
Nhiệt độ cao thúc đẩy sự phát triển của các thảm thực vật, nhưng thời tiết nắng nóng khiến chúng trở nên khô, gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Các đợt nắng nóng và hạn hán có khả năng xảy ra thường xuyên hơn ở Bắc bán cầu. Đồng thời, tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng nghiêm trọng như năm 2021 có thể sẽ tăng, từ đó giải phóng khí CO2 khiến Trái đất tăng nhiệt.
Tổ chức bảo tồn National Audubon Society (Mỹ) nhận định, mức tăng đột biến của các vụ cháy rừng năm 2021 là lời cảnh báo về sự cần thiết trong những nỗ lực giảm lượng khí thải CO2. Vai trò của các cộng đồng bản địa đối với việc bảo vệ rừng cũng cần được công nhận, đặc biệt trước sự gia tăng về quy mô và tần suất của các vụ cháy rừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.