(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022 về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Từ yêu cầu của Chỉ thị, các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã và trường học trên địa bàn Thủ đô đang tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để bồi đắp môi trường văn hóa học đường an toàn, thân thiện, với mục tiêu phát triển con người toàn diện.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn:
Tăng cường giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh
Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hướng tới xây dựng văn hóa học đường thông qua cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, đã có nhiều mô hình được nhân rộng, tạo sức lan tỏa lớn.
Để tăng cường xây dựng, bồi đắp văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”. Từ Đề án này, 100% nhà trường thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc trưng của từng quận, huyện, thị xã và từng đơn vị. Việc thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học có tác động tích cực đến xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, xanh, sạch, đẹp; giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Nâng cao nhận thức, năng lực ứng xử văn hóa trong trường học
Ngay sau khi UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”, quận đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể tới từng cấp học. Đặc biệt, quận đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; đồng thời hoàn thiện trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Trên cơ sở yêu cầu của Chỉ thị số 08/CT-TTg, quận tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; bổ sung các tài liệu giáo dục, tuyên truyền về văn hóa học đường, ứng xử văn hóa dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục...
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Khắc Thuật:
Cụ thể hóa thành các hành động
Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Nhà trường sẽ tập trung xây dựng kế hoạch tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, phát huy hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng với yêu cầu mới. Trường Trung học phổ thông Hợp Thanh sẽ cụ thể hóa ngay thành hành động để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh. Nhà trường cũng sẽ tăng cường phối hợp với gia đình học sinh và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử học đường; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tổ chức trong và ngoài nhà trường để thực hiện nhiệm vụ này ngày một tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Phượng (tổ dân phố số 6, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên):
Coi trọng giáo dục nhân cách sống
Văn hóa học đường là điều kiện quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp. Do đó, việc xây dựng văn hóa học đường phải được xem là nội dung trọng tâm nhất trong hoạt động của mỗi trường học. Trong nhà trường, học sinh phải hiểu về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với thầy cô, bạn bè, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một bộ phận các bạn trẻ đang ứng xử một cách thiếu văn hóa với thầy cô, bạn bè... ngay trong môi trường học đường. Do đó, mỗi nhà trường cần đặc biệt chú trọng, quan tâm củng cố văn hóa ứng xử học đường, tránh tình trạng chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức mà xem nhẹ giáo dục nhân cách sống cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy):
Khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần thi đua học tập
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên việc rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đồng thời, văn hóa học đường còn có tính chất nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Do vậy, để thực hiện tốt Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước hết mỗi trường học cần đưa việc xây dựng văn hóa học đường trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần thi đua học tập, rèn luyện trong mỗi học sinh, sinh viên; đi đôi với đó, có các biện pháp hiệu quả phòng, chống bạo lực, tệ nạn học đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.