(HNMO) - Bộ Y tế vừa có Công văn số 2214/BYT-DP về việc xin ý kiến góp ý dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023. Với phương án này, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn.
Riêng từ cuối tháng 12-2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số ca mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3-2022 do biến thể này đã chiếm chủ đạo về số ca mắc. Sau đó, số ca mắc giảm mạnh từ cuối tháng 3-2022 cho đến nay.
Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày. Đặc biệt, trong 2 ngày qua (1 và 2-5), trung bình cả nước chỉ ghi nhận hơn 3.000 ca/ngày và có 1-2 ca tử vong/ngày.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chủ động bám sát tình hình thực tế, Bộ Y tế xây dựng Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.
Trên cơ sở kế hoạch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17-3-2022, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững như sau:
Tình huống thứ nhất: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Tình huống thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Trong 2 tình huống này, Bộ Y tế nhấn mạnh một trong 4 nguyên tắc đặt ra là vắc xin là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Tỷ lệ bao phủ vắc xin cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.
Nghiên cứu tiêm mũi 4 cho người lớn, mũi 3 cho trẻ em
Trong tình huống thứ nhất, Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung ở tình huống này là nghiên cứu tiêm vắc xin mũi thứ 4 cho người lớn. Ngoài ra, tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi, để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.
Riêng đối với công tác giám sát, theo Bộ Y tế, cần tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm, phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại (VOC) và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp. Bên cạnh đó, triển khai giám sát giải trình tự gen tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của vi rút; mở rộng giám sát SARS-CoV-2 trên động vật (bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã).
Về các biện pháp xã hội, kịch bản tình huống 1 của Bộ Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, song xem xét giảm bớt hoặc nới lỏng các điều kiện, hướng dẫn để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân việc triển khai thực hiện.
Cùng với đó, đánh giá việc thực hiện, điều chỉnh các chỉ số, ngưỡng xác định cấp độ dịch phù hợp với bản chất dịch, đáp ứng thực tế, tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng với công tác điều trị, sẵn sàng thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương. Ngoài ra, thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát, cung ứng thuốc phù hợp, hiệu quả bảo đảm người mắc Covid-19 được điều trị kịp thời.
Với tình huống thứ hai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, các nhà sản xuất vắc xin để cập nhật các loại vắc xin phù hợp với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước. Cụ thể là tăng cường công tác giám sát sự xâm nhập của biến thể mới tại các cửa khẩu, khu vực biên giới…; tiếp tục giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong.
Ở tình huống này sẽ thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.