Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Y tế đề nghị giải quyết dứt điểm việc nợ lương y, bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Xuân Lộc| 12/01/2022 18:26

(HNMO) - Liên quan đến việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thuộc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam nợ lương của cán bộ, viên chức, người lao động, chiều 12-1-2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y - Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện gửi báo cáo trước ngày 20-1-2022.

Trước đó, chiều 12-1, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, căng băng-rôn yêu cầu bệnh viện trả lương. Nguyên nhân là từ tháng 5 đến 11-2021, toàn bộ 160 cán bộ, nhân viên của bệnh viện đang bị nợ 50% lương. Còn từ tháng 12-2021 và 1-2022 thì họ không được nhận một đồng lương nào. Trong khi các khoa, phòng vẫn hoạt động bình thường, cán bộ, nhân viên y tế còn làm thêm công tác tiêm chủng, khối lượng công việc nhiều hơn…

Theo nhiều cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh, từ năm 2019, Ban Giám đốc bệnh viện tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ, cán bộ, nhân viên bệnh viện không được bàn bạc, lấy ý kiến. Chính vì thế, 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều đến từ lượng bệnh nhân đến khám.

Nhưng trên thực tế, nếu xét về năng lực thì Bệnh viện Tuệ Tĩnh không đáp ứng đủ điều kiện để tự chủ. Nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài khiến lượng bệnh nhân đến bệnh viện ít hơn, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện không biết sống ra sao khi không có lương. Thậm chí, nhiều người đã phải bán hàng, bán rau quả sau giờ làm việc để có thêm thu nhập.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết, Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019-2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả một số khoản chi nhất định, các khoản chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.

Năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện đã khó khăn lại càng thêm khó. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới ngày 31-12-2020, số tiền bệnh viện chi vượt quá là hơn 9 tỷ đồng.

Trước sự việc trên, vào ngày 19-11-2021, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm dừng tự chủ đối với Bệnh viện Tuệ Tĩnh để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ, công nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế đề nghị giải quyết dứt điểm việc nợ lương y, bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.