Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Đông: Sứ mệnh nặng nề

Thùy Dương| 22/07/2015 05:55

(HNM) - Chuyến công du mang tính chiến lược nhằm xoa dịu quan ngại của các đồng minh Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter quả thật không dễ dàng.



Chuyến thăm ba nước Trung Đông (Israel, Arab Saudi và Jordan) của ông A.Carter diễn ra trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhất là Israel đang "nổi đóa" vì thỏa thuận hạt nhân mà cường quốc số một thế giới cùng 5 quốc gia khác vừa đạt được với Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và người đồng cấp Israel Moshe Yaalon tại Tel Aviv.


Nhằm ngăn cản nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến kinh tế và dầu mỏ đối với Tehran. Thế nhưng, điều đó đã khiến các quốc gia Trung Đông cảm thấy bất an. Đặc biệt là điều khoản cho phép lần lượt dỡ bỏ các biện pháp cấm vận vũ khí và công nghệ tên lửa đạn đạo mà Liên hợp quốc áp đặt lên Iran sau 5 và 8 năm nữa. Vì vậy, Nhà Trắng đang cố gắng ngăn cản Arab Saudi tham gia cuộc đua hạt nhân với Iran cũng như thuyết phục Israel không đơn phương tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran. Thực tế giữa Mỹ và Israel đã nảy sinh nhiều bất đồng liên quan đến câu hỏi: Liệu hóa giải cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran có bảo đảm an toàn cho cả Mỹ và Israel hay không?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp củng cố an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh, trong đó có Israel. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại cho rằng, đây là một "sai lầm lịch sử" và nó sẽ biến Iran trở thành một cường quốc hạt nhân. Được dỡ bỏ trừng phạt, Iran sẽ có nguồn tài chính dồi dào (ước tính Iran sắp được tiếp cận các tài sản trị giá lên tới 150 tỷ USD bị phong tỏa trước đây) để rót vào bộ máy chiến tranh đang hướng vào Israel và những nước khác trong khu vực. Trong khi đó, từ đầu năm 2015, chính quyền của Tổng thống B.Obama đã tỏ ra thất vọng khi phát hiện Israel do thám các cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 để vạch ra chiến lược vận động hành lang Quốc hội Mỹ, nhằm ngăn cản thỏa thuận này được thông qua.

Để trấn an những đồng minh thân cận, trong chuyến công du này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận với Iran không áp đặt bất cứ giới hạn nào đối với chiến lược phòng thủ cũng như sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông. Ông chủ Lầu Năm góc cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, không trông đợi việc Israel thay đổi quan điểm, nhưng sẽ tận dụng các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo nước này để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ quân sự song phương. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Israel Moshe Yaalon trước khi có cuộc hội đàm với Thủ tướng B.Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter khẳng định cam kết của Mỹ đối với vấn đề an ninh của Israel; đồng thời nhấn mạnh chuyến thăm này nhằm đánh dấu mốc lịch sử "80 năm hữu nghị thân thiết" giữa hai quốc gia.

Trong chặng dừng chân tại Arab Saudi, những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không nằm ngoài việc trấn an các nước vùng Vịnh rằng xứ Cờ hoa vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực. Với Arab Saudi và 5 nước trong Hội đồng vùng Vịnh (GCC), ông A.Carter cho biết: Mỹ mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, triển khai lực lượng đặc biệt, an ninh hàng hải cũng như phòng thủ trên không và an ninh mạng.

Thực tế, Mỹ lo ngại rằng việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ trở thành nguy cơ kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Bởi lẽ, các đối thủ của Iran tại vùng Vịnh không tin việc Tehran sẵn sàng từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 2009, cố Quốc vương Arab Saudi Abdullah từng cảnh báo Mỹ: "Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, chúng tôi cũng sẽ có vũ khí hạt nhân". Do lo ngại vai trò nổi lên của Iran, nhiều quốc gia trong khu vực sẽ tăng cường xây dựng liên minh để kiềm chế ảnh hưởng của Tehran, cũng như sẽ tăng cường cuộc chiến chống lại các lực lượng bị quy là ủy nhiệm của Iran tại Syria, Yemen... và sẽ khiến tình hình thêm phức tạp.

Do vậy, nhiệm vụ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter trong chuyến công du nhằm giải tỏa những quan ngại của các đồng minh là hết sức nặng nề. Dù chưa thể hóa giải mọi vấn đề nhưng động thái này sẽ xoa dịu những lo lắng của các đồng minh chủ chốt tại khu vực có ý nghĩa chiến lược với Washington.

Quốc tế kêu gọi thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 20-7 thông qua nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1, các nhà ngoại giao quốc tế đã bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời kêu gọi nỗ lực thực thi hiệu quả văn kiện này.

Phát biểu tại trụ sở Hội đồng Bảo an ở New York (Mỹ), ông Murray McCully, Ngoại trưởng New Zealand, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận một cách tích cực.

Các Đại sứ tại Liên hợp quốc có mặt trong phiên họp trên cho rằng những nỗ lực trong nhiều năm qua để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran cần phải trở thành một hình mẫu để thế giới giải quyết các cuộc khủng hoảng khác, như tại Syria và Yemen hiện nay.

Cùng ngày, tại Brussels (Bỉ), Hội đồng Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) đã ra tuyên bố ủng hộ hoàn toàn nghị quyết trên của Liên hợp quốc và kêu gọi tất cả các bên nỗ lực để thực hiện thỏa thuận vừa đạt được.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Đông: Sứ mệnh nặng nề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.