(HNMO) - Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được giao giải ngân số vốn ngân sách là 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GTVT thừa nhận tiến độ giải ngân chậm.
Chiều 30-10, phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tập trung làm rõ về tiến độ giải ngân chậm đối với các công trình trọng điểm quốc gia và kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông liên kết các vùng miền.
Một số dự án triển khai chậm do vướng mắc về thủ tục
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu, năm 2019, cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GTVT là một trong 3 đơn vị được giao giải ngân số vốn ngân sách lớn với 26.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ giải ngân chậm. Nguyên nhân được Bộ trưởng lý giải là do việc bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và 14 dự án giao thông cấp bách với 15.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ các địa phương cam kết, đến tháng 12-2019 sẽ giải ngân 4.000/7.000 tỷ đồng phần giải phóng mặt bằng cho toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Với 14 dự án giao thông cấp bách 15.000 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm 2019, dự kiến sẽ khởi công 10 dự án, vì đang tiến hành đấu thầu, chuẩn bị mặt bằng. Trong 3 dự án đầu tư công, từ nay đến cuối năm 2019, Bộ GTVT khởi công thêm 12 gói thầu.
“Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, Bộ GTVT sẽ giải ngân 10.000 tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng, cho tạm ứng khởi công các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu.
Với khoảng 10.000 tỷ đồng vốn ODA, Bộ trưởng cho biết, một số dự án được giao mới như đoạn nối từ Lai Châu về cao tốc Hà Nội - Lào Cai, từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) nối xuống cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 19 (tỉnh Bình Định) nối lên Tây Nguyên... có kinh phí lớn được bố trí vốn chậm. Ngoài ra, khi có vốn, một số dự án lại triển khai chậm do vướng mắc về thủ tục.
Trước tình hình trên, người đứng đầu ngành GTVT khẳng định quyết tâm từ nay đến cuối năm 2019 sẽ thực hiện giải ngân bằng mặt bằng chung của cả nước, đạt tiến độ từ 90-100%.
5 đến 10 năm tới, giao thông liên vùng sẽ tốt hơn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, về giao thông liên vùng, cả nước hiện có 24.000km quốc lộ và gần 2.000km đường cao tốc. Đây là những con đường kết nối liên vùng giữa các tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đường bộ. Ngoài ra, 22 sân bay, 3.200km đường biển và khoảng 3.200km đường sắt đều đáp ứng tốt nhu cầu kết nối giữa các vùng, miền. “Tuy nhiên, so với yêu cầu thì giao thông liên vùng vẫn còn hạn chế”, Bộ trưởng thừa nhận.
Trong giai đoạn tới, tại khu vực phía Bắc, Bộ GTVT sẽ tập trung phát triển các dự án thuộc trục dọc như Hòa Bình - Sơn La, Chi Lăng - Hữu Nghị - Đồng Đăng, nối từ thành phố Hạ Long lên Móng Cái.
Để liên kết các trục ngang, Bộ tập trung 4 dự án: Quốc lộ 4C, 4D; quốc lộ 279 và quốc lộ 37, kết nối với các trục dọc để giúp giao thông miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng kết nối tốt hơn.
Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ GTVT tập trung vào các đường vành đai của Hà Nội và một số trục, trong đó có đường sắt kết nối với Hải Phòng, để phát huy cảng biển Lạch Huyện.
Thông tin về kế hoạch phát triển các dự án giao thông kết nối trục dọc và ngang các khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, từ 5 đến 10 năm tới, giao thông liên vùng trên toàn quốc sẽ được tốt hơn.
Không ít cơ sở đào tạo lái xe cắt xén chương trình, dạy tiểu xảo
Trong phiên thảo luận sáng nay, với 39 đại biểu nêu ý kiến, có 18 ý kiến liên quan đến lĩnh vực GTVT. Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) nhận định, tình trạng vi phạm luật về giao thông vẫn phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do người tham gia giao thông thiếu ý thức. Nếu không có giải pháp triệt để, sẽ rất đáng lo ngại, bởi việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tinh thần của người dân. Thống kê cho thấy, hơn 70% số người tử vong do tai nạn giao thông giữ vai trò trụ cột trong gia đình.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng từ chính các đơn vị đào tạo lái xe. Đó là không ít cơ sở cắt xén chương trình dạy, thay vì dạy bài bản để lái xe an toàn lại dạy mẹo, dạy tiểu xảo để với mục đích cao nhất là thi đỗ. Nghiêm trọng hơn là có tình trạng “bao thi”, “bao đỗ”.
Ngoài ra, một số cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe cho lái xe cũng phát sinh tiêu cực. Nhiều trường hợp không cần khám, chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng và cung cấp thông tin về chiều cao, cân nặng là được cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe.
"Với cách làm như trên, có những trường hợp bị bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe, như các trường hợp xảy ra tại Hòa Bình, Đắk Nông", đại biểu chỉ rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.