(HNMO) - Sáng 21-11, thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân và giải pháp khắc phục cho hiện trạng chất lượng của các luật ban hành thấp, ít luật mới được ban hành lần đầu mà phần lớn là luật sửa đổi, bổ sung...
“Mổ xẻ” chất lượng của luật
Đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn thành phố Hải Phòng) nêu, có tình trạng luật ban hành một vài năm đã phải xem xét, sửa đổi. Việc phải sửa đổi sớm như vậy là do thực tiễn cuộc sống thay đổi quá nhanh hay là do chất lượng của luật?
Ngoài ra, kế hoạch xây dựng luật hằng năm luôn bị phá vỡ, thường xuyên có tình trạng điều chỉnh, rút ra đưa vào dự án luật trước mỗi kỳ họp. Hồ sơ dự án luật gửi cho đại biểu Quốc hội chậm khá phổ biến, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu cho ý kiến của đại biểu, trừ đại biểu tham gia cơ quan thẩm tra có thể được tiếp cận sớm hơn. Ngoài ra, nội dung dự thảo luật đi qua từng kỳ thảo luận thẩm tra, tiếp thu có khi thay đổi khác hẳn so với dự thảo ban đầu…
Chỉ ra những bất cập trên, đại biểu Đoàn thành phố Hải Phòng cho rằng, nguyên nhân nằm ở hoạt động hoạch định chính sách và phân tích chính sách.
“Phân tích chính sách hiệu quả là tiền đề quan trọng xây dựng pháp luật, phải hình thành chính sách trước khi soạn thảo luật. Quốc hội quyết định chính sách cơ bản trong luật, làm tốt hoạt động phân tích chính sách còn giúp chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân là do quy định của luật hay do khâu tổ chức thực hiện, khi đó có thể chấn chỉnh để luật đi vào cuộc sống mà chưa cần sửa đổi luật”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tình trạng xin rút, xin lỗi rồi bổ sung dự án luật, dẫn đến phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, làm ảnh hưởng đến chất lượng làm luật.
Do đó, việc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa nội dung này vào sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế trên. Về hai phương án Ủy ban đưa ra, đại biểu nghiêng về phương án giữ quy trình như hiện nay nhưng phải có sự đổi mới trong cách làm để hạn chế tình trạng lùi, rút, điều chỉnh chương trình.
“Tức là ta phải đưa quy trình bộ hồ sơ khi đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm dự thảo luật, pháp lệnh thể hiện theo đúng nội dung chính sách được đề xuất. Theo đó, buộc cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị đánh giá tác động, thể hiện các chính sách thành dự thảo điều luật cụ thể. Tuy nhiên với quy định này, cơ quan soạn thảo sẽ phải lập Ban soạn thảo trước khi dự án luật được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như thế sẽ liên quan đến việc phải đầu tư kinh phí, thời gian và công sức”, đại biểu nêu.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) thể hiện quan điểm về việc xây dựng hệ thống pháp luật là một chặng đường rất gian nan. Để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ cần có một cơ chế xây dựng đúng, một quy trình đúng mà yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là con người. “Chính vì thế, trong thời gian tới, tôi cũng mong yếu tố con người được đề cao hơn, tăng cường những con người thực sự có năng lực, công tâm trong hệ thống cơ quan xây dựng pháp luật để đảm bảo hệ thống pháp luật thực sự đi vào cuộc sống”, đại biểu bày tỏ.
Kiên định và nhất quán trong xây dựng và thi hành luật
Phát biểu tiếp thu và giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một văn bản luật hết sức quan trọng và tương đối đặc thù đối với nước ta bởi đây là "luật về làm luật".
Nghiên cứu của chuyên gia cho thấy, Việt Nam là một trong số ít nước quy định về quy trình xây dựng pháp luật trong một văn bản luật riêng. Ở Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành lần đầu năm 1996, đến nay đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung.
Qua mỗi lần sửa đổi, từ thực tiễn yêu cầu của tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, nhận thức tăng lên của xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của pháp luật cũng như kinh nghiệm được tích lũy nhiều hơn, nhiều nội dung mới quan trọng tiếp cận dần với chuẩn pháp luật của các quốc gia văn minh, có truyền thống pháp luật lâu đời được bổ sung. Những nội dung không còn phù hợp đã được loại bỏ.
“Lần này chúng ta sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với các nội dung như Chính phủ trình nhằm chuẩn hóa quy trình, cách thức và kỹ năng làm luật phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, do chúng ta vừa làm vừa tính tới kinh nghiệm nên thời gian qua, dù đã rất cố gắng nhưng "tuổi đời" của các bộ luật thường khá thấp.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp cho thấy, trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hình sự hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn 2005-2008, "tuổi đời" trung bình của các luật dưới 10 năm, một số luật dưới 3 năm, cá biệt có luật chưa có hiệu lực đã sửa.
Số lượng văn bản quy định chi tiết cũng khá nhiều, điển hình như Luật Quản lý tài sản công có 17 nhóm nội dung cần quy định chi tiết và thời gian ra quy định chi tiết thường rất ngắn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Có những việc Chính phủ được giao nhưng trên thực tế rất khó thực hiện do chưa dự liệu được những vấn đề phức tạp hay do dự thảo luật được thông qua có quy định khác với phương án trình...
“Việc xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật nước ta sẽ theo quy trình ban hành ngày càng được chuẩn hóa. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số các yếu tố. Điều quan trọng là tổ chức thực thi có hệ thống các thiết chế bảo đảm và yếu tố con người vận hành trong hệ thống, cùng một xã hội thượng tôn pháp luật”, Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Long nhấn mạnh khi làm luật cần có chủ thuyết rõ ràng, đã quyết định về chính sách thì cần kiên định và nhất quán trong tổ chức xây dựng và bảo đảm thi hành. Quy trình xây dựng pháp luật có vai trò quan trọng nhưng năng lực con người và kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng pháp luật còn quan trọng hơn.
“Chúng ta sẽ cố gắng làm triệt để và tốt hơn những gì đã nhận thức được nhưng chưa làm xong, chuẩn hóa và thực hiện pháp điển. Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Tòa án nhân dân tối cao cũng cần làm tốt hơn vai trò hiến định là ban hành án lệ để dần giảm bớt pháp luật thành văn. Có như vậy thì mới có thể theo kịp cuộc sống vì pháp luật thành văn dẫu có hoàn thiện đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể đáp ứng yêu cầu hằng ngày phát sinh của cuộc sống”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu cuối giải trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.