Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

Mai Hữu| 10/08/2022 10:40

(HNMO) - Sáng 10-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ mười bốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý an ninh mạng; tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân và thông tin xấu, độc trên không gian mạng internet.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

Báo động thực trạng lộ, lọt thông tin cá nhân

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trả lời đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) về công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định, thực trạng lộ, lọt thông tin cá nhân là đáng báo động, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, người dân còn chủ quan trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Từ các nguyên nhân trên, Bộ Công an tập trung hoàn thiện văn bản pháp lý, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghiên cứu ban hành Luật Bảo vệ bí mật cá nhân; tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, Bộ đang điều tra làm rõ vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân.

Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành và địa phương. Kết quả đã chỉ ra nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục để bảo đảm an ninh, an toàn khi triển khai kết nối dữ liệu. Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ để khắc phục, kiểm tra lại, đảm bảo đạt yêu cầu mới kết nối.

Về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện có nhiều đối tượng tạo trang web rồi mang bán giấy tờ giả công khai trên mạng. Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn và các đối tượng khai nhận có thể làm tất cả các khâu để giả giấy tờ; tự ký và đóng dấu; sẵn sàng làm giả giấy tờ các loại.

Bộ Công an đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này. Bộ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định. Bộ cũng dùng biện pháp nghiệp vụ, điều tra, đấu tranh, xử lý các đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) chất vấn.

Trả lời câu hỏi đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) về những hạn chế trong lĩnh vực an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, còn 5 vấn đề. Đó là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong an ninh mạng chưa thực chất; thanh tra, kiểm tra về an ninh mạng chưa hiệu quả, kịp thời; phần lớn nền tảng, dịch vụ OTT, ứng dụng mạng xã hội của các pháp nhân nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; còn nhiều sơ hở trong quản lý loại hình dịch vụ có nguy cơ mất an toàn về an ninh mạng như tiền ảo, kinh doanh “sim rác”, mở thẻ ngân hàng ảo...

“Bộ Công an sẽ đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý các vụ việc đồng bộ; hoàn thiện hành lang pháp lý; nâng cao trình độ, phương tiện của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Ngăn chặn thông tin xấu, độc trên nền tảng không biên giới

Nhằm tăng cường đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên nền tảng mạng internet do đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ tiếp tục quản lý chặt chẽ thông tin trên internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Chủ động rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội, báo chí.

Đồng thời, Bộ Công an cũng chủ động bám sát diễn biến tình hình, nhất là các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp có nguy cơ bị các đối tượng khai thác để tạo dựng, tán phát, chia sẻ thông tin giả mạo, tin sai sự thật; tổ chức truy tìm, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.

Trả lời về bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, chủ yếu thông tin sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới. Bộ sẽ sửa đổi một số nghị định quản lý nền tảng không biên giới, hoàn thiện trong quý III-2022, tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời một số vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm, các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam, các nền tảng Facebook, Youtube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước từ dưới 20% năm 2018 lên 90-95%. Đối với bóc gỡ thông tin sai sự thật, trước năm 2018 chỉ làm được khoảng 5.000 tin video, đến nay đã tăng 20 lần, lên gần 100 nghìn tin video thông tin xấu, độc, sai sự thật.

Về giám sát không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã đưa vào vận hành Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia với khả năng xử lý 300 triệu tin/ngày. Bộ cũng thành lập Trung tâm Xử lý tin giả để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người dân về tin giả. Từ đầu năm 2022, Bộ đã xử lý hành chính hàng trăm vi phạm về thông tin sai sự thật, một số trường hợp có dấu hiệu hình sự đã chuyển sang Bộ Công an điều tra.

Chia sẻ về xử lý “sim rác”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2018, số sim rác là 26 triệu, đến tháng 6-2022, số sim chưa được khai báo thông tin đã được cắt bỏ toàn bộ khỏi hệ thống. Rất nhiều biện pháp kỹ thuật được sử dụng để hạn chế sim rác, trong đó giải pháp căn cơ là kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư làm thông tin gốc, làm chính xác thông tin của chủ thuê bao, đến nay đã có 1,5 triệu thuê bao được đồng bộ.

“Sim rác” giảm thì tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh, tống tiền sẽ giảm; thông tin chủ thuê bao chính xác thì giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng người”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.