(HNM) - Hà Nội hiện có nhiều chung cư tái định cư ngay từ khâu thiết kế xây dựng ban đầu đã không có nhà sinh hoạt cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuyển đổi công năng sử dụng của một phần diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư này để bố trí sử dụng vào mục đích trên. Đây là sự quan tâm thiết thực của thành phố nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt của cư dân.
Khắc phục bất cập
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có 176 chung cư tái định cư, do 3 đơn vị vận hành là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (quản lý 136 tòa); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico (22 tòa); Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng (18 tòa). Trong số này, có khoảng 90 chung cư xây dựng trước thời điểm có Luật Nhà ở ban hành năm 2005 nên không có nơi sinh hoạt cộng đồng (luật này quy định các nhà chung cư bắt buộc phải có nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ nhu cầu hội họp của cư dân).
Do lâu nay không có nhà sinh hoạt cộng đồng, nên các cư dân ở chung cư tái định cư NO14A phường Định Công (quận Hoàng Mai), thường kê ghế ngoài hành lang tầng 3 để hội họp. Ông Trần Lương Thừa, Trưởng nhóm tự quản chung cư NO14A cho hay: “Ngồi họp ở hành lang vào mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì gió rét nên bà con rất mong sớm có phòng sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa...”.
Tương tự, tại chung cư tái định cư B10B Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), ông Dương Sáng Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố 44 (gồm 2 tòa B10B và B10C) cho biết: Tổ có 99 hộ, song cả 2 tòa đều không có nhà sinh hoạt cộng đồng. Trước đây, cư dân phải mượn phòng quản lý của đơn vị vận hành tòa nhà mỗi khi hội họp...
Khắc phục các tồn tại trên, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Phạm Hữu Tiến cho biết: Từ cuối năm 2016, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát toàn bộ chung cư tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách; cho phép chuyển đổi một phần diện tích kinh doanh dịch vụ bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân. Việc bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng được thực hiện theo phương châm linh hoạt, tùy điều kiện cụ thể của từng tòa nhà, cụm tòa nhà nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân...
Linh hoạt, tùy điều kiện tòa nhà
Tại Khu đô thị Nam Trung Yên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tử Quang cho hay: Trong số 22 tòa nhà công ty được giao quản lý, có 4 tòa không có phòng sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế. Công ty đã đề xuất chuyển đổi một phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại tòa B3A, B3D bố trí làm phòng sinh hoạt cộng đồng. Còn hai tòa nhà B10B và B10C, do không có diện tích kinh doanh dịch vụ, song qua rà soát có khoảng 33,4m2 tại sảnh hành lang tầng 1, công ty đã đề nghị thành phố cho phép bố trí làm nơi sinh hoạt cộng đồng...
Trong khi đó, Trưởng phòng Tái định cư - Nhà ở xã hội (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) Bùi Quốc Dũng cho biết, trong số 136 tòa công ty được giao quản lý, có 73 tòa không có nơi sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế. Do vậy, công ty đã rà soát, đề xuất bố trí chuyển đổi từ diện tích kinh doanh dịch vụ, căn hộ còn trống làm nơi sinh hoạt cộng đồng tại 61 tòa nhà.
“Đến nay, công ty bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho UBND các phường, ban quản trị được 95 tòa; còn 29 tòa (7 tòa có diện tích sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế, 22 tòa phải bố trí từ diện tích khác) hiện còn vướng mắc như: Chờ thu hồi từ diện tích kinh doanh dịch vụ hoặc cư dân kiến nghị chuyển đổi diện tích khác... nên chưa bàn giao", ông Dũng chia sẻ.
Để quản lý hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư sau bàn giao, mới đây (ngày 9-6-2020), UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 2285/UBND-STC giao UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước được bố trí sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích. UBND thành phố cũng giao UBND quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng.
Về việc này, ông Phạm Hữu Tiến nhấn mạnh thêm, tại Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND (ngày 23-8-2018), UBND thành phố cũng cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và một phần kinh phí quản lý, vận hành tòa nhà. Đây là sự quan tâm thiết thực của thành phố, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân tại các chung cư tái định cư.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, có 117/176 tòa chung cư tái định cư đã được bố trí và bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong đó 14 tòa có nhà sinh hoạt cộng đồng song do chưa đủ 50% số hộ dân về ở nên chưa bàn giao cho ban quản trị; 33 tòa đã rà soát, bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng từ diện tích khác song đang còn vướng mắc, chưa bàn giao...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.