(HNM) - Các cuộc cứu trợ tài chính đã và đang diễn ra tại Châu Âu trong
Và, Tây Ban Nha rất có thể sẽ là một trường hợp tương tự. Chẳng bao lâu sau khi khăng khăng khẳng định không cần cứu trợ toàn diện, nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) lần đầu tiên đã phải đánh tiếng xin được cứu nguy tài chính!
Sự ngỏ lời như một động thái thăm dò của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong tuần đã được dự báo, do vậy không gây sốc cho thị trường toàn cầu. Kể từ khi quả bong bóng bất động sản xứ "Bò tót" vỡ tung năm 2008 đã để lại những vết thương nặng nề với hệ thống ngân hàng quốc gia Tây Nam Âu, dư luận đã ngờ rằng việc xứ Bò tót trở thành "bạn đồng hành" của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu dựa vào thực tế lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha - đã vượt 7%, ngưỡng mà cả ba nạn nhân trước họ phải chi trả lúc xin được "giải vây" - thì câu hỏi hiện nay chỉ là nền tài chính của Madrid vốn đang đuối sức có thể trụ được trong bao lâu.
Những thành tích kinh tế nghèo nàn đã khiến nỗ lực giảm tốc đầu tàu kinh tế lớn thứ tư của Eurozone đang trật bánh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Số liệu thống kê chính thức khẳng định, Tây Ban Nha đã bước vào quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng âm. Như vậy là, chỉ trong vòng 4 năm, xứ Bò tót đã lần thứ hai trượt sâu vào suy thoái. Không tăng trưởng cũng đồng nghĩa với hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội khác nảy sinh. Chưa khi nào trong lịch sử, Tây Ban Nha lại phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới 24,63% như trong quý II vừa qua. Có đến 5,8 triệu người được "ăn không ngồi rồi", trong đó thanh niên chiếm tới 53%. Thừa người thiếu việc không chỉ là thành ngữ hiện đại tại Tây Ban Nha vào lúc này mà còn là một vấn nạn nghiêm trọng với nội các của Thủ tướng Mariano Rajoy. Trở thành quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhóm các nước phát triển, kỷ lục buồn có thể được ví như con số biết nói cho thấy khá nhiều bất ổn đang đào khoét trụ cột thứ tư của Eurozone. Chỉ số về công ăn việc làm luôn được xem là thước đo sống còn đánh giá sức khỏe một nền kinh tế. Có đến gần 1/4 dân số không thể tự nuôi thân, khó khăn của Tây Ban Nha không chỉ là giải quyết các thách thức về xã hội, mà quan trọng hơn nó phản ánh thực tế là triển vọng tương lai của quốc gia Tây Nam Âu này vô cùng mờ mịt.
Mặc dù không ngần ngại ban bố hàng loạt biện pháp chi tiêu hà khắc để tiết kiệm 65 tỷ euro trong vòng ba năm bất chấp sự phản ứng đến phẫn nộ của dân chúng, nhưng quyết tâm của Tây Ban Nha vẫn chưa làm yên giới lãnh đạo Lục địa già. Như một nỗ lực cuối cùng nhằm tránh cho xứ Bò tót trở thành một Hy Lạp tiếp theo, các cuộc thảo luận nảy lửa của lãnh đạo Châu Âu đã đi đến nhất trí có ý nghĩa rằng, Madrid sẽ có thêm một năm nữa để đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách như liên minh đã đề ra. Lộ trình 6,3% GDP cho năm 2012, 4,5% vào năm 2013 và 2,8% trong năm 2014 là cơ hội vàng đã được trao vào tay Tây Ban Nha. Nếu không có sự nhân nhượng này, nguy cơ quốc gia Tây Nam Âu bị Liên minh Châu Âu (EU) trừng phạt là chuyện không phải bàn cãi khi kế hoạch giảm thâm hụt năm 2013 xuống 3% đúng theo đề xuất ban đầu hoàn toàn bất khả thi.
Đến thời điểm hiện tại, số phận tài chính xứ Bò tót vẫn chưa rõ ràng. Có điều quá rõ là nó không còn trong tầm tay của chính người Tây Ban Nha nữa mà phụ thuộc nhiều hơn vào các thể chế tài chính Châu Âu và quốc tế. Dù đã được cam kết, khoản hỗ trợ 100 tỷ euro (tương đương 125 tỷ USD) để vực dậy hệ thống ngân hàng đã kiệt quệ, nhưng trên thực tế, Madrid chưa nhận được một đồng nào và phải chờ tới năm 2013 mới được giải ngân từ quỹ cứu trợ mới của Châu Âu. Liệu đất nước Tây Nam Âu có thể đợi đến lúc đó hay phải có một số biện pháp cấp thời khác để giải nguy đang là câu hỏi để ngỏ. Song, chẳng ai nghi ngờ rằng hành trình giải cứu Bò tót - Tây Ban Nha đã manh nha và sẽ là một câu chuyện đầy kịch tính của một tiểu thuyết trinh thám mạo hiểm với rất nhiều hành động chính trị và thực tiễn của cả Eurozone.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.