(HNMO) - Ngày 8-8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương năm 2021 tới các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Báo cáo là tài liệu có ích phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và của quốc gia (gọi tắt là DTI) gồm có 3 cấp: DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia.
Theo đó, ở chỉ số DTI của các bộ cung cấp dịch vụ công (gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ), Bộ Tài chính tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu bảng xếp hạng DTI với giá trị 0,6321, tăng so với năm 2020 (0,4944); trong đó, xếp hạng các chỉ số chính, Bộ Tài chính đứng thứ nhất về hạ tầng số và hoạt động chuyển đổi số. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (0,6126), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (0,5747), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (0,5406) và Bộ Công Thương (0,5219).
Ở chỉ số DTI 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gồm 9 cơ quan) không cung cấp dịch vụ công, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu với giá trị 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020 (0,2848). Các đơn vị đứng kế tiếp lần lượt là: Đài Truyền hình Việt Nam (0,4192), Thông tấn xã Việt Nam (0,2737), Ủy ban Dân tộc (0,2046), Đài Tiếng nói Việt Nam (0,1394).
Chỉ số DTI 2021 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, thành phố Đà Nẵng lần thứ 2 liên tiếp xếp vị trí thứ nhất với giá trị 0,6419. Xếp hạng 3 trụ cột, Đà Nẵng cũng tiếp tục đứng đầu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 9 địa phương còn lại trong tốp 10 đứng đầu về DTI 2021 lần lượt là: Thừa Thiên - Huế (0,5872), thành phố Hồ Chí Minh (0,5609), Bắc Ninh (0,5276), Lạng Sơn (0,5242), Ninh Bình (0,5064), Quảng Ninh (0,4972), Thái Nguyên (0,4960), Bình Phước (0,4954), Bắc Giang (0,4933). Hà Nội đứng thứ 40 trong bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh, thành phố.
Giá trị DTI 2021 của quốc gia là 0,6110, đạt trên mức trung bình 0,5 và tăng trưởng 25,8% so với năm 2020 (0,4858). Giá trị DTI 2021 quốc gia cao hơn mức trung bình (0,5) trong khi DTI 2021 cấp bộ, cấp tỉnh đều thấp hơn giá trị này.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm nổi bật của kết quả đánh giá DTI 2021 ở chỗ giá trị trung bình DTI năm 2021 cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595 điểm, tăng 15,4% so với DTI 2020 (0,3982).
Giá trị DTI 2021 của các bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151 - có giảm nhẹ so với năm 2020 (0,2342) là do năm nay có thêm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI và kết quả đạt được còn khá khiêm tốn.
Giá trị DTI 2021 cấp tỉnh, thành phố là 0,4014, tăng trưởng 32,7% so với DTI 2020 cấp tỉnh (năm 2020 là 0,3026). Trong đó, có 31/63 tỉnh, thành phố (chiếm 49,21%) có giá trị DTI 2021 trên mức trung bình của cả khối.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, DTI cấp tỉnh gồm có 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. DTI cấp bộ gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI cấp quốc gia gồm có 24 chỉ số (chỉ tiêu trọng tâm về chuyển đổi số quy mô quốc gia).
So với năm 2020, DTI năm 2021 cập nhật các nội dung của Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, bổ sung nhiều chỉ số đánh giá phát triển và sử dụng các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Cấu trúc DTI so với năm 2020 có thay đổi nhưng không đáng kể (giữ nguyên 5 chỉ số chính) và tinh gọn đi nhiều chỉ số…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.