Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Tài chính lý giải việc tăng giá xăng

Thủy Hương| 27/04/2012 20:17

(HNMO) - Ngày 20/4, giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh tăng thêm, trong đó giá xăng tăng thêm 900 đồng, lên mức 23.800 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh giá các mặt hàng này, Bộ Tài chính vừa đưa ra lý do cụ thể về việc tăng giá trên.

.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa-Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu là một quyết định khó khăn của cơ quan quản lý, đã phải tính đến những tác động của mặt hàng này đến hoạt động của nền kinh tế, đến lợi ích của người dân.

Ông cho biết thêm, điều hành giá xăng dầu trong nước được tính toán theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (trên cơ sở bình quân 30 ngày của từng chủng loại xăng, dầu thành phẩm, không tính theo giá của một ngày nhất định và không tính theo giá dầu thô) và Thông tư số 234 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Số liệu của Cục Quản lý Giá cho thấy, nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 19/3 đến ngày 17/4/2012) so với mức bình quân tính toán 30 ngày trước đó để làm căn cứ điều chỉnh điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 7/3/2012 (từ ngày 5/2 đến ngày 5/3/2012) thì giá các loại xăng, dầu tăng 0,54-3,08%, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng xăng, cụ thể: xăng RON 92 tăng 3,08% (134,05/130,05 USD/thùng); diesel 0,05S tăng 1,35% (137,17/135,34 USD/thùng); dầu hỏa tăng 1,55% (135,54/133,47 USD/thùng); madut 3,5S tăng 0,78% (742,65/736,94 USD/thùng); dầu thô WTI tăng 0,54% (104,49/103,92 USD/thùng).


Giá bán lẻ xăng RON 92 đang là 23.800 đồng/lít


Như vậy, kể từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (ngày 7/3/2012), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao. Mức điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước ngày 7/3 vẫn ở mức kiềm chế (tiếp tục cho sử dụng Quỹ Bình ổn giá ở mức 300 đồng/lít, kg).

Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới vẫn dao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như: thuế nhập khẩu đã ở mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, thì việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước hiện nay với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) khoảng 3.662 đồng/lít-7.878 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước.

Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng, Nhà nước đã đứng về lợi ích của toàn bộ nền kinh tế quốc dân để điều hành giá xăng dầu.

Vì vậy, “việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày 20/4 vừa qua là cần thiết và hoàn toàn khách quan trên cơ sở chia sẻ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế nhằm: đảm bảo hoạt kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường; đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước; chia sẻ lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước” - Người đứng đầu Cục Quản lý Giá nhấn mạnh.

Trước ý kiến về việc doanh nghiệp thường kêu lỗ để tăng giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, việc điều chỉnh giá xăng dầu (mặt hàng nhạy cảm đến toàn bộ nền kinh tế, đời sống người dân) là vấn đề được các cơ quan chuyên trách cân nhắc, đồng thời phải căn cứ theo những quy định của Nhà nước và diễn biến giá xăng dầu thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính lý giải việc tăng giá xăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.