Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ “sử học” âm nhạc về Hà Nội

An Nhi| 14/11/2010 07:01

(HNM) - Năm quyển, mỗi quyển trên dưới 700 trang, bộ sách "Nghìn năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội" do Bộ VH,TT&DL và Nhà xuất bản Âm nhạc thực hiện đã ra mắt sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, biên soạn.

Độc giả thuộc bất cứ đối tượng nào cũng có thể tìm cho mình được những tư liệu khá đầy đủ và sâu sắc về âm nhạc tồn tại trên đất Thăng Long - Hà Nội 1000 năm qua.

Dòng chảy lịch sử bằng âm nhạc

Nền hòa thanh rộng lớn cho "Bài ca Thăng Long - Hà Nội" được kể lại qua 5 quyển sách đầy ắp tư liệu đã được chọn lọc kỹ càng. Lật dở từ đầu đến cuối bộ sách, độc giả không gặp những bài viết mang tính suy luận, kiến giải sâu xa về âm nhạc Thăng Long - Hà Nội mà cảm giác như hòa vào một dòng chảy lịch sử tự nhiên được thể hiện bằng âm nhạc, rất dễ nhập tâm.

Bộ sách “Nghìn năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội”.

Có thể gặp những câu chuyện, những tích, khảo cứu, tư liệu về nhạc vũ cung đình qua các triều đại phong kiến hay lược sử nghệ thuật ca trù được sưu tầm, biên soạn từ tư liệu Hán Nôm. Có những thể loại âm nhạc cổ truyền không xuất phát ở đất kinh thành nhưng lại phát triển rạng rỡ nơi đây cũng được giới thiệu, dẫn giải đầy đủ: hát ru đồng dao, hát ví, hát trống quân, hát xẩm… và cả âm nhạc tín ngưỡng. Thành tựu 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cho ra đời một nền âm nhạc cổ truyền cách tân trên đất Hà Nội, được giới thiệu công phu qua các tư liệu, khảo cứu về dân ca cách tân, nhạc cụ cải tiến, sáng tác cải biên... Những ca khúc ở Hà Nội và về Hà Nội bao gồm nhiều thể loại âm nhạc mới xuất hiện nằm trong dòng hội nhập: nhạc trẻ, rock, pop, R&B… được đề cập có những điều riêng biệt với các vùng miền và trên thế giới. Một phần rất khách quan và thú vị trong bộ sách là những bình luận về nhạc cổ và nhạc mới ở Hà Nội qua 1000 năm, sẽ cho độc giả cái nhìn đa dạng về sự miệt mài trong dòng chảy âm nhạc truyền thống và nét sôi động của các trào lưu hiện hành.

Theo TS Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, cố vấn nội dung, thì bộ sách thể hiện được ý chí và tinh thần của đất và người Thăng Long - Hà Nội qua âm nhạc. Có những điều mà không phải lời nói, sử sách nào ghi trọn vẹn thì âm nhạc lại làm được. Chính vì thế, đây thực sự là con đường để mỗi người hôm nay có thể tìm hiểu về đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đất Kẻ Chợ qua 1000 năm.

Chuyện bên lề

Hội đồng Biên soạn gồm các nhà nghiên cứu âm nhạc và nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam như PGS-NGND Dương Viết Á, PGS-TS Vũ Nhật Thăng, Trần Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Minh Châu, Hồ Hồng Dung, Bùi Trọng Hiền, Phạm Minh Hương, Nguyễn Thụy Kha, Đặng Hoành Loan, Đinh Văn Minh, Trần Quý, Hoàng Anh Thái, Nguyễn Thủy Tiên chia nhau "gánh" một mảng "nặng" và kỳ công. Như PGS Dương Viết Á chia sẻ, ông đã phải làm việc cật lực và gần như toàn bộ quỹ thời gian 3 năm qua là dành để tổng hợp, biên tập, soạn, chọn lọc các tư liệu cho bộ sách, đặc biệt là phần nhạc mới. Tư liệu tra cứu của ông chất ngồn ngộn khắp nhà và nơi làm việc. Nhưng để thống nhất từng phần của mỗi thành viên, kết nối các tư liệu này thành một dòng chảy âm nhạc xuyên suốt về Thăng Long - Hà Nội trong 5 quyển sách là vô cùng khó khăn. Các thành viên trong Hội đồng Biên soạn thường xuyên ngồi lại với nhau và đôi lúc có những tranh luận gay gắt đến từng chi tiết nhỏ trong mỗi trang, mỗi bài sao cho hợp lý và thống nhất. PGS Dương Viết Á nói vui rằng, giá như có thêm một quyển nữa chỉ để Hội đồng Biên soạn kể về chuyện "hậu trường" thực hiện bộ sách thì thật mãn nguyện.

Tuy đã có những dòng âm nhạc ít phổ cập được giới thiệu như nhạc vũ cung đình theo tư liệu Hán Nôm, âm nhạc Phật giáo… nhưng bộ sách chưa đề cập hết tất cả các thể loại âm nhạc có trên đất Thăng Long này, đặc biệt là phần nhạc cho sân khấu, nhạc nhảy múa và nhiều mảng nhạc tín ngưỡng khác. Song bộ sách đã "khoanh vùng" thành công những thể loại âm nhạc nổi bật phát triển trên đất Thăng Long - Hà Nội và về Hà Nội rất đáng trân trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ “sử học” âm nhạc về Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.