Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Nội vụ hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách

Hiền Thu| 04/12/2022 12:08

(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BNV ban hành Thông tư hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Thông tư quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với công chức cấp xã là phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và các tiêu chuẩn: Phải đủ 18 tuổi trở lên; phải tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; phải có chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11-3-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ).

Thông tư cũng quy định nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã: Trưởng Công an xã; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Văn phòng - Thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.

Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP. Trong đó, không phân biệt loại hình đào tạo, trường công lập, ngoài công lập.

Mỗi chức danh công chức cấp xã được bố trí từ 1 người trở lên, UBND cấp tỉnh quy định việc bố trí tăng thêm người ở một số chức danh công chức cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn (trừ chức danh Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã) nhưng không vượt quá tổng số cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Thông tư quy định, căn cứ vào khoản 2 Điều 14 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và khả năng ngân sách của địa phương (từ nguồn cải cách chính sách tiền lương và nguồn ngân sách của địa phương), UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP; quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Về chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở để chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố.

Riêng đối với các thôn sau được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở, bao gồm: Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Nội vụ hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.